Saturday, September 24, 2016

Hàng loạt thắc mắc về bảo hiểm nhân thọ được giải đáp tại toạ đàm "Bảo hiểm và Đời sống"

Vào lúc 10h00 sáng nay (25/8) diễn ra Toạ đàm trực tuyến "Bảo hiểm và Đời sống" nhằm mang lại cho bạn đọc cái nhìn đúng đắn và khách quan nhất về giải pháp bảo vệ tài chính ưu việt này; với sự góp mặt của luật sư và các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ. Hàng trăm câu hỏi của độc giả đã được gửi đến các chuyên gia trong buổi toạ đàm này. 

 Hiểu một cách đơn giản, bảo hiểm nhân thọ là giải pháp cung cấp một khoản tài chính cho người tham gia để đáp ứng nhu cầu chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí phải bỏ ra trong tương lai khi xảy ra các rủi ro như: ốm đau, thương tật, mất sức lao động, tai nạn, tử vong … hoặc để hoàn thành những dự định trong tương lai như: đảm bảo việc học cho con, mua nhà, mua xe, an dưỡng tuổi già …

Tuy nhiên, do một số lý do khách quan bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam đang bị nhìn nhận chưa đầy đủ.

Buổi tọa đàm này nhằm giúp người dân có cái nhìn khách quan và đầy đủ về bảo hiểm nhân thọ; hiểu hết những ý nghĩa nhân văn và giá trị thiết thực mà bảo hiểm nhân thọ mang lại cho con người; thấy được rằng nó là phương pháp bảo vệ hữu ích, an toàn, được pháp luật và Nhà nước bảo hộ. Từ đó giải tỏa những vướng mắc, nghi ngờ từ phía người dân và mang đến cho người Việt một giải pháp tài chính thông minh đã được người dân ở nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn.

Tham gia buổi tọa đàm có sự góp mặt của: ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam; ông Đoàn Minh Phụng - Phó GS, TS. NGƯT, Phó khoa Ngân hàng và Bảo hiểm Học viện Tài chính và Luật sư Đặng Ngọc Châu từ văn phòng Luật sư Đặng Ngọc Châu, Đoàn Luật sư TPHCM.

Để được giải đáp những vướng mắc, băn khoăn về bảo hiểm hhân thọ, quí độc giả có thể gửi câu hỏi vào hòm thư kinhdoanh@dantri.com.vn hoặc để lại bình luận dưới bài đăng này. Đội ngũ biên tập viên của chúng tôi sẽ tổng hợp, chuyển thắc mắc của quí vị đến các chuyên gia. Và đừng quên theo dõi buổi tọa đàm trực tuyến “Bảo hiểm và Đời sống” diễn ra từ 10-12h sáng ngày 25/8.


Các diễn giả tham gia toạ đàm

Mời bạn đọc theo dõi toàn bộ nội dung buổi Toạ đàm trực tuyến “Bảo hiểm và Đời sống”

Độc giả Phạm Hương (34 tuổi, Hà Nội): Hiện có nhiều người cho rằng Bảo hiểm nói chung và BHNT nói riêng như một hình thức bán hàng đa cấp hoặc lừa đảo tài chính, chỉ có lợi cho các doanh nghiệp Bảo hiểm. Vậy phải hiểu đúng về BHNT như thế nào?

Ông Phùng Đắc Lộc: Hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định rất chặt chẽ trong Luật kinh doanh bảo hiểm, Nghị định Chính phủ và Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật kinh doanh bảo hiểm. Cụ thể như sau:

- Đáp ứng đủ điều kiện và thủ tục hành chính về việc thành lập DNBH Nhân thọ quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm, Nghị định 45 trước đây, Nghị định 73 (từ 1/7/2016) mới được Bộ Tài chính cấp phép.

- Trong quá trình hoạt động: đội ngũ quản lý điều hành đáp ứng được tiêu chuẩn quy định, biên khả năng thanh toán lớn hơn biên khả năng thanh toán tối thiểu, vốn phát định lớn hơn hoặc bằng 600 tỷ đồng. Các thay đổi về người quản lý điều hành, trụ sở và chi nhánh văn phòng kinh doanh, vốn điều lệ, nội dung và thời gian hoạt động, mua bán sát nhập, giải thể…phải được Bộ Tài chính phê chuẩn.

- Nội dung hợp đồng bảo hiểm phải được Bộ Tài chính phê chuẩn khi đáp ứng được các quy định tại Chương II – Hợp đồng bảo hiểm trong Luật kinh doanh bảo hiểm (từ điều 13 đến điều 39)

- Quy tắc điều khoản biểu phí bảo hiểm của DNBH được xây dựng theo đúng quy định tại Nghị định 45 và hiện nay là Điều 39 Nghị định 73/2016/CP.

- Bộ Tài chính phê duyệt sản phẩm bảo hiểm nhân thọ trước khi DNBH được phép triển khai bao gồm hợp đồng bảo hiểm, quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm; công thức, phương pháp và giải trình cơ sở kỹ thuật dùng để tính phí và dự phòng nghiệp vụ, mẫu giấy yêu cầu bảo hiểm, tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm, minh họa bán hàng, các mẫu đơn mà bên mua bảo hiểm phải kê khai và ký khi mua bảo hiểm.

- Trích lập dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm và đầu tư tài chính từ dự phòng nghiệp vụ bảo hiểm, tách chia lãi giữa chủ sở hữu và chủ hợp đồng bảo hiểm theo đúng quy định của Bộ Tài chính.

- Đào tạo, tuyển dụng, trả hoa hồng đại lý đúng quy định của Bộ Tài chính

- Khi có nguy cơ mất khả năng thanh toán phải báo cáo BTC và đề ra các giải pháp khôi phục. Nếu không tự khôi phục được sẽ phải thực hiện các giải pháp theo yêu cầu của Bộ Tài chính để khôi phục khả năng thanh toán.

- Khi DNBH mất khả năng thanh toán, khách hàng sẽ được đảm bảo quyền lợi từ Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do các DNBH đóng góp hàng năm tối đa 0,3% doanh thu.

Do vậy, nói bảo hiểm là lừa đảo, bán hàng đa cấp là sai. Người dân hoàn toàn có thể tin tưởng sự làm ăn chân chính và lâu dài của các DNBH nhân thọ tại Việt Nam. Ngoài ra, nhìn bên ngoài việc bán bảo hiểm qua đại lý giống mô hình đa cấp nhưng đại lý chỉ được bán sản phẩm bảo hiểm với các quy tắc điều khoản biểu phí, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, đơn bảo hiểm, minh họa bán hàng đã được Bộ Tài chính phê chuẩn, không được thêm bớt. Đại lý bảo hiểm hưởng hoa hồng năm đầu tối đa 25% phí bảo hiểm thu được với hợp đồng dưới 10 năm, tối đa 40% với hợp đồng kỳ hạn trên 10 năm trong đó có bao gồm chi phí phải bỏ ra để khai thác hợp đồng bảo hiểm. Từ năm thứ 2 trở lên chỉ được hưởng 5% đến 7% việc chi trả hoa hồng cũng được Bộ Tài chính quy định, DNBH không được tự ý làm sai.


Ông Phùng Đắc Lộc - Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam

Độc giả Nguyễn Nam (27 tuổi, Nam Định): Nhiều người cho rằng có tiền thì gửi tiết kiệm hoặc mua vàng sẽ an toàn hơn so với mua bảo hiểm nhân thọ, suy nghĩ này có đúng không?

Ông Đoàn Minh Phụng: Trước hết, do BHNT kéo dài nhiều năm nên việc lo lắng mua BHNT chịu ảnh hưởng xấu của sự mất giá đồng tiền và lo lắng ai sẽ bảo vệ mình nếu công ty BHNT bị phá sản là suy nghĩ hoàn toàn có thể giải thích được.

Tuy nhiên, Tôi cho rằng suy nghĩ này không hoàn toàn đúng bởi các lý do sau:

Thứ nhất, các sản phẩm BHNT có thể bảo vệ người tham gia BH và gia đình họ khi gặp rủi ro trong khi việc gửi tiền tiết kiệm và mua vàng không thể mang lại cho bạn điều này.

Thứ hai, nếu xuất phát từ lý do lo ngại đồng tiền mất giá thì bản thân việc gửi tiết kiệm cũng bị ảnh hưởng chứ không chỉ tham gia BHNT. Hơn nữa, các công ty BHNT có thể thiết kế các sản phẩm BH có số tiền BH tăng dần để đối phó với rủi ro lạm phát, như vậy nếu lo ngại, bạn có thể chọn các loại sản phẩm này.

Thứ ba, nếu xuất phát từ việc sợ rủi ro công ty BH bị phá sản thì thống kê trên thế giới cho thấy xác suất phá sản một tổ chức tín dụng cao hơn so với một công ty BHNT. Điều này cho thấy, ngay cả việc gửi tiết kiệm cũng chứa đựng rủi ro không rút được tiền nếu tổ chức tín dụng mất khả năng thanh toán. Tính đến khả năng này, VN cũng như các quốc gia khác có hệ thống BH tiền gửi nhằm bảo vệ người gửi tiền song mức chi trả bảo hiểm tiền gửi với mỗi sổ tiết kiệm được giới hạn (chẳng hạn ở VN con số này tối đa là 50 triệu đồng). Còn nếu xảy ra khả năng DNBH NT bị mất khả năng thanh toán thì Bộ Tài chính sẽ có phương án chuyển giao các HĐBH cho DNBH khác để bảo vệ lợi ích của bên được BH.

Cuối cùng, nếu bạn mua vàng với mục đích đầu tư thì bấp bênh và rủi ro hơn nhiều bởi giá vàng là yếu tố cực kỳ nhạy cảm, biến động thất thường và khó dự đoán. Thực tế ở VN thời gian qua đã minh chứng cho điều đó. Còn nếu mua vàng với mục đích cất trữ thì khi xảy ra khủng hoảng, việc tích trữ này không có ý nghĩa gì.

Độc giả Đặng Thị Mai (Tiền Hải, Thái Bình): Những đối tượng nào thì nên hoặc không nên tham gia Bảo hiểm nhân thọ?

Ông Phùng Đắc Lộc: Bất kỳ ai không phân biệt già trẻ, tầng lớp xã hội đều có nhu cầu về bảo hiểm nhân thọ bao gồm các nhu cầu sau đây:

- Chăm lo sức khỏe cho bản thân và những người thân (cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh chị em ruột) về những rủi ro ốm đau, thương tật, tử vong với những chi phí điều trị ở các mức độ khác nhau: viện phí, điều trị tự nguyện, điều trị tại bệnh viện quốc tế ở Việt Nam, bệnh viện nước ngoài, bệnh nan y mà chế độ bảo hiểm y tế hiện hành chưa đáp ứng được.

- Tiết kiệm tiền trung và dài hạn (tương đương với thời gian bảo hiểm) để thực hiện một công việc không thể không làm trong tương lai mà ngay cả khi người tham gia bảo hiểm bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc tử vong không đóng đủ phí bảo hiểm cho thời gian còn lại của hợp đồng bảo hiểm nhưng hết thời hạn bảo hiểm vẫn được DNBH chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm nhằm mục đích: cho con tiếp tục học phổ thông, học nghề, học đại học, du học nước ngoài, nuôi dưỡng vợ/chồng/con, phụng dưỡng cha mẹ già yếu từ số tiền bảo hiểm, mua nhà cho con ra ở riêng, cưới xin, có thu nhập hàng tháng khi hết tuổi lao động (hưu trí).

- Trả nợ khi đến thời hạn đúng với thời gian đáo hạn hợp đồng bảo hiểm dù người tham gia bảo hiểm không may bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc tử vong trước đó.

- Có thu nhập nhất định từ số tiền bảo hiểm khi mất sức lao động hoặc làm vốn đầu tư kinh doanh chuyển đổi nghề nghiệp.

- Vừa bảo hiểm rủi ro, vừa đầu tư sinh lời với các sản phẩm bảo hiểm đầu tư: liên kết chung và liên kết đơn vị. Vì vậy, người có thu nhập thấp có thể mua bảo hiểm với số tiền bảo hiểm vừa phải phù hợp với khả năng tài chính của mình có thể tiết kiệm được hàng kì để đóng phí bảo hiểm đầy đủ và đúng hạn. Và ngược lại, người có thu nhập cao thì tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm lớn hơn. Nhìn chung thời gian bảo hiểm càng dài (thời hạn của hợp đồng bảo hiểm) thì xác suất xảy ra rủi ro càng lớn và người được bảo hiểm thường có lợi hơn.

Tuy nhiên nếu tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm nhiều hơn, tùy theo quy định của từng DNBH (thường là 300 triệu hoặc 400 triệu đồng) các DNBH thường quy định phải khám sức khỏe trước khi giao kết hợp đồng bảo hiểm.

Mục đích của kiểm tra sức khỏe để phát hiện các bệnh sẵn có, bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, bệnh di truyền thuộc phạm vi loại từ bảo hiểm để không giao kết hợp đồng bảo hiểm. Khi người tham gia bảo hiểm đã khám sức khỏe theo quy định của DNBH đã bị từ chối ký kết hợp đồng bảo hiểm có thể hỏi lại DNBH có thể tham gia bảo hiểm với sản phẩm bảo hiểm nào khác không, nếu thấy phù hợp thì ký kết hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra, những người có thu nhập bấp bênh, không ổn định để thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm định kỳ theo tháng thì có thể đăng ký đóng phí bảo hiểm theo mùa vụ để đảm bảo khả năng duy trì hợp đồng bảo hiểm, đóng phí lâu dài không ảnh hưởng đến quyền lợi bảo hiểm khi chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn vì không đóng đúng và đủ phí bảo hiểm.


Ông Đoàn Minh Phụng - Phó GS TS NGƯT Phó Khoa Ngân hàng và Bảo hiểm Học Viện Tài chính

Độc giả Nguyễn Văn Nam: Những lợi ích cơ bản mà BHNT có thể mang lại là gì?

Ông Đoàn Minh Phụng: Sản phẩm BHNT rất đa dạng song tập trung vào 3 nhóm: nhóm bảo vệ, nhóm tích lũy đầu tư và nhóm kết hợp. Mỗi nhóm sản phẩm có các lợi ích nổi trội khác nhau. Tổng hợp lại BHNT có thể mang lại những lợi ích cơ bản sau:

Đối với bên được BH:

- BHNT giúp bảo vệ gia đình, bảo vệ người mà người được BH có nghĩa vụ nuôi dưỡng. Khi rủi ro không may xảy ra cho người được BH thì gia đình, các con người được BH được đảm bảo nguồn thu nhập từ tiền trả BH giúp họ khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống.

- BHNT là công cụ hữu hiệu để hoạch định tài chính cho tương lai: giúp người được BH và gia đình có thể thực hiện được các dự định cho tương lai: Cho con đi học ĐH trong nước hoặc du học, mua nhà, mua xe,…

- BHNT có thể thay thế hoặc bổ sung cho BHXH: Người không có BHXH thì tham gia BHNT có thể giúp thay thế chế độ hưu trí trong BHXH. Người đã có BHXH thì BHNT giúp bổ sung các lợi ích mà BHXH chưa mang lại được

- BHNT là công cụ đầu tư: Tham gia một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ thuộc dòng sản phẩm BH liên kết đầu tư như sản phẩm BH liên kết chung, BH liên kết đơn vị vừa có ý nghĩa bảo vệ, vừa có ý nghĩa giúp người được BH thực hiện hoạt động đầu tư. Thực chất đây là hình thức ủy thác đầu tư cho công ty BH trong điều kiện người tham gia BH không có điều kiện và không có khả năng tự đầu tư.

Đối với xã hội

- BHNT là một kênh thu hút vốn để đầu tư trở lại nền kinh tế. Trong điều kiện một quốc gia đang gặp nhiều khó khăn về thu hút vốn cho phát triển kinh tế như Việt Nam hiện nay thì điều này càng có ý nghĩa hơn bao giờ hết.

- BHNT góp phần tạo việc làm cho xã hội: Việc tạo ra hàng trăm ngàn việc làm cho nhân viên, tư vấn viên BH được xã hội ghi nhận và đánh giá cao

- BHNT góp phần tạo ra một lối sống đẹp trong xã hội khi việc tham gia BHNT thể hiện trách nhiệm đối với chính mình, với gia đình và với cộng đồng vì ý nghĩa chia sẻ rủi ro. Với các sản phẩm BHNT có mục đích tiết kiệm, đầu tư thì việc tham gia có ý nghĩa định hướng xã hội tới một lối sống văn minh hơn, nhân văn hơn.

BHNT có những nhóm sản phẩm cơ bản nào và giá trị lợi ích của từng nhóm sản phẩm đó là gì?

Ông Phùng Đắc Lộc: Bảo hiểm nhân thọ nhằm cung cấp một khoản tiền tài chính cho người tham gia bảo hiểm lựa chọn để đáp ứng nhu cầu chi trả một phần hoặc toàn bộ chi phí phải bỏ ra trong tương lai khi bị rủi ro ốm đau, thương tật, mất sức lao động, tử vong hoặc phải thực hiện những sự kiện khi đáo hạn hợp đồng, cho con du học, cưới xin, mua nhà, mua xe, an dưỡng tuổi già khi mất sức lao động. Các sản phẩm bảo hiểm hiện nay nằm trong nhóm nghiệp vụ bảo hiểm sau:

1. Bảo hiểm trọn đời: bảo hiểm cho các rủi ro, sự kiện bảo hiểm cho đến hết đời

2. Bảo hiểm sinh kỳ: chỉ trả tiền bảo hiểm khi sống đến hết thời hạn hợp đồng

3. Bảo hiểm tử kỳ: chỉ trả tiền bảo hiểm khi bị tử vong trong thời hạn hợp đồng

4. Bảo hiểm hỗn hợp: bao gồm cả sinh kỳ, tử kỳ

5. Bảo hiểm trả tiền định kỳ: hết thời hạn bảo hiểm hoặc đến 1 độ tuổi nhất định, tổng số quyền lợi được bảo hiểm sẽ được chi trả làm nhiều kỳ cho người được bảo hiểm theo thảo thuận phù hợp với trả học phí cho con du học hoặc trả khi mất sức lao động.

5 loại nghiệp vụ nói trên có bổ sung thêm quyền lợi bảo hiểm như chia lãi (bảo tức) hoặc miễn đóng phí khi người tham gia bảo hiểm bị tử vong hoặc thương tật toàn bộ, vĩnh viễn nhưng quyền lợi của người được bảo hiểm (bố mẹ, vợ chồng, con cái) không đổi tùy theo hợp đồng giao kết.

Ngoài ra còn có 3 nghiệp vụ bảo hiểm sau đây:

6. Bảo hiểm liên kết chung: người tham gia bảo hiểm được bảo hiểm cho các rủi ro với số tiền nhất định trên hợp đồng bảo hiểm. Ngoài ra người tham gia bảo hiểm còn liên kết với DNBH để DNBH đầu tư số tiền phí bảo hiểm đã đóng nhằm sinh lời cao. Lãi suất được thay đổi và công bố định kỳ (tháng, quý) và số tiền đầu tư (phí bảo hiểm dành cho đầu tư) do người tham gia bảo hiểm quyết định tăng hoặc giảm tùy theo lựa chọn của họ.

7. Bảo hiểm liên kết đơn vị: người tham gia bảo hiểm được bảo hiểm rủi ro với một số tiền bảo hiểm nhất định ghi trên hợp đồng. Ngoài ra họ góp thêm 1 số tiền phí bảo hiểm để đầu tư vào các quỹ đầu tư của DNBH công bố công khai mức độ an toàn, sinh lời và giá đơn vị từng quỹ để người tham gia bảo hiểm lựa chọn tăng hay giảm số tiền đầu tư hoặc chuyển từ quỹ này sang quỹ kia. Có ít nhất 3 loại quỹ (mạo hiểm, bình ổn, an toàn) hoặc 5 loại quỹ (mạo hiểm, tương đối mạo hiểm, bình ổn, an toàn, tương đối an toàn).

8. Bảo hiểm hưu trí tự nguyện: người tham gia bảo hiểm ngoài việc được bảo hiểm rủi ro với 1 số tiền nhất định ghi trong hợp đồng bảo hiểm còn đóng thêm khoản phí bảo hiểm để hưởng quyền lợi bảo hiểm hưu trí. Số tiền phí bảo hiểm đóng cho hưu trí tự nguyện được tách riêng theo dõi trên 1 tài khoản cho 1 khách hàng. Khách hàng có thể theo dõi kiểm tra đối chiếu bất kì lúc nào số tiền đã đóng và lãi đầu tư của số tiền đã đóng. Số tiền trên tài khoản đầu tư của khách hàng thuộc quyền sở hữu của khách hàng kể cả khi DBBH sát nhập, chia tách, giải thể hoặc phá sản.

Quyền lợi bảo hiểm hưu trí được chi trả trên tổng số tiền trên tài khoản hưu trí của khách hàng (bao gồm phí đã đóng và lãi đầu tư) cho các trường hợp sau đây:

- Khách hàng hết độ tuổi lao động (nam 60, nữ 55)

- Khách hàng bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn hoặc mất sức lao động

- Khách hàng bị tử vong khi chưa hết tuổi lao động

- Cách thức chi trả bao gồm: trả 1 lần, trả ngay một phần khi hết độ tuổi lao động và trả làm nhiều kì cho những năm còn lại, trả làm nhiều kỳ đều đặn cho đến khi tử vong trả hiết số tiền còn lại hoặc đã hết tiền trên tài khoản hưu trí của họ.

Đặc biệt, các DNBH còn có các sản phẩm bảo hiểm bổ trợ bán kèm với 8 loại nghiệp vụ bảo hiểm nói trên liên quan đến rủi ro sức khỏ: ốm đau, thương tật, tử vong, bệnh hiểm nghèo, bảo lãnh viện phí, … có quyền lợi bảo hiểm độc lập, bổ sung cho quyền lợi bảo hiểm của hợp đồng bảo hiểm chính.

Độc giả Trần Nam (Hà Nội): Khi mua BHNT, tôi nên làm những gì để đảm bảo quyền lợi của mình trước khi ký hợp đồng BHNT?

Ông Đặng Ngọc Châu: Để bảo vệ quyền lợi cho bạn , khi mua BHNT Người mua bảo hiểm cần chú ý những điểm sau :

- Chọn Doanh nghiệp KD Bảo hiểm đã có uy tín trên thị truờng VN;

- Xác định, cân nhắc giữa yêu cầu và khả năng của mình để chọn mua sản phẩm BHNT chính và các sản phẩm phụ thích hợp nhất với mình.

- Yêu cầu Đại lý BH tư vấn đầy đủ, rõ ràng về các điều khoản trong Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, Quy tắc và điều khoản bảo hiểm của Sản phẩm BH mình muốn mua..

- Đọc, nghiên cứu thật kỹ Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, Hợp đồng bảo hiểm.Nếu chưa rõ, cần yêu cầu Đại lý BH giải thích chính xác các điều khoản trong Hồ sơ BH, Hợp đồngBH. Nhất là các điều khoản đặc thù của Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ như : Điều khoản loại trừ bảo hiểm, quyền lợi bảo hiểm , bảng minh họa chi tiết quyền lợi bảo hiểm, phí bảo hiểm, Điều khoản chấm dứt HĐ bảo hiểm…

- Tự mình ký tên, kê khai đầy đủ và chính xác các thông tin về nhân thân và tình trạng sức khỏe mà Công ty BH yêu cầu trong Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm .

- Điều quan trọng là Người mua bảo hiểm phải kê khai đầy đủ, trung thực tình trạng sức khỏe hiện nay, tiền sử bệnh, trước đây đã khám bệnh ở đâu ; có uống rượu không ? có sử dụng ma túy, chất gây nghiện không?… Sau này khi xảy ra sự kiện bảo hiểm , các công ty bảo hiểm thường tổ chức thẩm định và điều tra trước khi trả tiền bảo hiểm .

Công ty bảo hiểm sẽ từ chối trả tiền bảo hiểm nếu họ phát hiện được người mua bảo hiểm không cung cấp đầy đủ , trung thực các thông tin về sức khỏe, tình trạng bệnh tật khi mua bảo hiểm. Đây là nguyên nhân chủ yếu xảy ra các tranh chấp của Hợp đồng bảo hiểm giữa khách hàng và các DNBH tại tòa án trong nhiều năm qua.

Tham gia bảo hiểm nhân thọ là cuộc chơi cần sự trung thực, minh bạch và tử tế thì mới đem lại lợi ích cho cả đôi bên.


Luật sư Đặng Ngọc Châu - Luật sư Văn phòng Luật sư Đặng Ngọc Châu - Đoàn Luật sư TPHCM

Độc giả Phương Minh (Đống Đa, Hà Nội): Khi được tư vấn, tôi thấy có khái niệm bảo hiểm tạm thời. Vậy loại bảo hiểm này là gì?

Ông Phùng Đắc Lộc: Thời gian từ khi khách hàng chấp nhận giao kết hợp đồng đóng phí bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phát hành hợp đồng bảo hiểm kể từ ngày phát hành hợp đồng bảo hiểm đến 21 ngày sau đó, được coi là bảo hiểm tạm thời. Trong thời gian này, nếu khách hàng bị tử vong thì được hưởng quyền lợi bảo hiểm cho rủi ro tử vong với số tiền được ghi trên hợp đồng bảo hiểm, chứ không được chi trả toàn bộ số tiền bảo hiểm.

Và trong thời hạn bảo hiểm tạm thời, khách hàng được quyền cân nhắc, đọc lại các quy tắc điều khoản quy định trong hợp đồng để được giải thích rõ thêm, nếu bất lợi hoặc không chấp nhận thì có thể huỷ bỏ và được hoàn lại phí. Tuy nhiên, đối với những khách hàng phải kiểm tra sức khoẻ trước khi giao kết hợp đồng, thì số phí hoàn lại sẽ trừ đi chi phí khám sức khoẻ.

Luật quy định thời gian cân nhắc ít nhất là 14 ngày, nhưng các công ty bảo hiểm thường đưa ra thời gian cân nhắc là 21 ngày.

Độc giả Trần Nam Phương (50 tuổi, TPHCM): Tôi xin hỏi các chuyên gia, vì sao Khách hàng không được tham gia vào quá trình soạn thảo, điều chỉnh Quy tắc và Điều khoản sản phẩm bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm của mình?

Ông Đoàn Minh Phụng: Tất cả các quy tắc, điều khoản, hợp đồng bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, biên lai thu phí bảo hiểm lần đầu, bảng minh hoạ quyền lợi của khách hàng đều được Bộ Tài chính phê chuẩn. Như vậy các nội dung được Bộ Tài chính phê chuẩn không được sửa một từ một chữ, chỉ có khoảng trống để khách hàng điền vào, thể hiện sự lựa chọn của khách hàng hoặc để khách hàng kê khai thông tin, phục vụ nhu cầu bảo hiểm.

Như vậy, cả doanh nghiệp bảo hiểm, đại lý bảo hiểm và khách hàng đều không được sửa một từ, một chữ trong các văn bản trên so với nội dung mà Bộ Tài chính đã phê duyệt. Quy định trên đều xuất phát từ việc bảo vệ quyền lợi cho người được bảo hiểm, nếu không quy định như vậy, việc chỉnh sửa các điều kiện, điều khoản hoặc ghi thêm các điều kiện, điều khoản trong hợp đồng có thể dẫn đến bất lợi cho người tham gia bảo hiểm.

Độc giả Phạm Thị Minh Huệ (Thái Nguyên): Mọi người thường nói rằng để giải quyết được quyền lợi thường thủ tục rất phức tạp, thực hư như thế nào? Khi cần phải bồi thường bảo hiểm, điều chúng tôi nên làm là gì để bảo vệ quyền lợi của mình?

Ông Phùng Đắc Lộc: trong quy tắc điều khoản bảo hiểm, hợp đồng bảo hiểm đều ghi rõ quyền lợi bảo hiểm bao gồm các khoản tiền được chi trả toàn bộ hay một phần số tiền được bảo hiểm (theo 1 số tiền nhất định hoặc theo tỉ lệ % trên số tiền bảo hiểm, đồng thời cũng quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ giấy tờ cần thiết kèm theo giấy yêu cầu trả tiền bảo hiểm). Người tham gia bảo hiểm nên đọc kỹ và thực hiện theo hướng dẫn các văn bản trên để được trả tiền bảo hiểm nhanh chóng và chính xác.

Tuy nhiên có 1 số trường hợp có nghi vấn về kê khai số tiền yêu cầu chi trả bảo hiểm chưa chính xác thường liên quan đến bệnh lý hoặc chi phí điều trị (như cảm cúm nằm nội trú 30 ngày, vết thương phần mềm điều trị 2 tháng) hoặc có dấu hiệu gian lận bảo hiểm (theo điều 213 Bộ Luật Hình sự) thì DNBH có quyền xác minh thêm.

Thời gian xác minh chậm nhất là 30 ngày (theo luật Kinh doanh bảo hiểm), DNBH phải có kết luận thanh toán tiền bảo hiểm. Trường hợp DNBH nhũng nhiễu đòi hỏi thêm nhiều thủ tục, giấy tờ hoặc trả tiền bảo hiểm không đúng quy định, khách hàng có thể khiếu nại đến Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) – địa chỉ số 28 Trần Hưng Đạo, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Nếu vẫn chưa được DNBH giải quyết theo đúng cam kết của hợp đồng bảo hiểm khách hàng có thể khởi kiện DNBH ra Tòa án hoặc Trọng tài để xử lý và được bảo vệ quyền lợi chính đáng.

Độc giả Nguyễn Thành Trung (Phủ Lý, Hà Nam): Trong suốt quá trình tham gia đóng BHNT, nếu có điều chỉnh về nhu cầu gói sản phẩm có giá trị nhiều hơn hoặc ít hơn, chúng tôi có thể thay đổi trên hợp đồng đã ký được không?

Ông Đặng Ngọc Châu: Đối với một số Công ty BH , trong quá trình tham gia bảo hiểm người mua bảo hiểm có quyền yêu cầu điều chỉnh về số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm trong Hợp đồng bảo hiểm đã ký. Người mua bảo hiểm chỉ cần lập Hồ sơ theo mẫu gởi đến Cty Bảo hiểm để yêu cầu điều chỉnh Hợp đồng bảo hiểm. Một số Sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có quy định tự động điều chỉnh phí bảo hiểm và quyền lợi bảo hiểm khi Người mua bảo hiểm có khó khăn khi đóng phí bảo hiểm.

Độc giả Nguyễn Thị Thảo (23 tuổi, Nam Định): Thời gian vừa qua, có một số trường hợp khách hàng tham gia bảo hiểm nhưng không được chi trả, điều đó khiến chúng tôi rất lo lắng và hoang mang, ông có thể đưa ra những nguyên nhân chính dẫn đến việc không được chi trả?

Ông Phùng Đắc Lộc: Bồi thường chỉ áp dụng cho bảo hiểm tài sản và trách nhiệm nhằm bù đắp thiệt hại thực tế đã xảy ra. Trong bảo hiểm nhân thọ, người ta không dùng từ bồi thường mà thay vào đó là chi trả tiền bảo hiểm vì sức khỏe và tính mạng của con người là vô giá. Nghĩa vụ tài chính của một người là rất lớn như nuôi dưỡng người trong gia đình, thanh toán các khoản nợ đã vay. Vì vậy, một người có thể tham gia nhiều hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tại nhiều doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ với nhiều số tiền bảo hiểm khác nhau. Khi tham gia bảo hiểm nhân thọ, các trường hợp không được trả tiền bảo hiểm gồm:

- Đơn phương từ bỏ hợp đồng trong vòng 2 năm đầu tiên khi tham gia bảo hiểm.

- Xảy ra các rủi ro (tai nạn, đau ốm, bệnh tật) thuộc các rủi ro không được ghi trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.

- Xảy ra các trường hợp loại trừ bảo hiểm ghi trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.

Ngoài ra, trường hợp khách hàng gian lận khai báo thông tin không trung thực, không chính xác trong hợp đồng bảo hiểm và các văn bản là bộ phận gắn liền với hợp đồng bảo hiểm. Tùy theo mức độ ảnh hưởng của sự khai báo này, doanh nghiệp bảo hiểm có thể từ chối một phần hoặc toàn bộ số tiền bảo hiểm. Vì vậy, khi tham gia bảo hiểm cần xem xét kỹ rủi ro được bảo hiểm, sự kiện được bảo hiểm và loại trừ bảo hiểm ghi trong hợp đồng, nếu chưa rõ có quyền yêu cầu giải thích. Nếu doanh nghiệp bảo hiểm từ chối trả tiền bảo hiểm cho các rủi ro, sự kiện bảo hiểm không thuộc loại trừ bảo hiểm thì người được hưởng quyền lợi bảo hiểm có thể khởi kiện doanh nghiệp bảo hiểm hoặc tòa án để đảm bảo quyền lợi.

Độc trả Trần Đình Thi (Hà Nội): Tôi có tiếp tục được bảo hiểm khi làm việc ở nước ngoài không?

Ông Phùng Đắc Lộc: Thứ nhất, phải căn cứ vào hợp đồng bảo hiểm, sẽ ghi rõ các phạm vi được bảo hiểm, các rủi ro được bảo hiểm, nếu trong hợp đồng không ghi rõ phạm vi được bảo hiểm, kể cả khi người được bảo hiểm ra nước ngoài thì đương nhiên là không được bảo hiểm. Tuy nhiên, những trường hợp mà người được bảo hiểm ra nước ngoài công tác ngắn hạn hoặc dài hạn vẫn đóng phí bảo hiểm đầy đủ và không xảy ra những rủi ro, những điều kiện được bảo hiểm tại nước ngoài thì khi trở về Việt Nam, hợp đồng tiếp tục có hiệu lực. Có nghĩa là, nếu sau đó tất cả các rủi ro, các điều kiện được bảo hiểm xảy ra đối với người được bảo hiểm tại Việt Nam thì doanh nghiệp bảo hiểm vẫn chi trả quyền lợi bảo hiểm.

Độc giả Kiều Nhật Linh (Hà Đông, Hà Nội): Khi nào thì hợp đồng được hưởng lãi chia và tôi có thể sử dụng khoản lãi chia như thế nào?

Ông Đoàn Minh Phụng: Một số Hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có điều khoản tham gia chia lãi, lãi chia có nguồn gốc từ khoản lãi do công ty bảo hiểm đầu tư từ phí bảo hiểm và các khoản chi phí mà công ty bảo hiểm tiết kiệm được. Thông thường, lãi chia thường được công ty bảo hiểm thoả thuận là trả cuối mỗi năm hợp đồng, tuy nhiên, khoản tiền lãi chia không trả trực tiếp mà được cộng dồn để đến khi đáo hạn hợp đồng. Ngoài số tiền bảo hiểm được nhận như cam kết ban đầu, khách hàng còn được nhận thêm phần lãi chia được tích luỹ từ các năm trong thời hạn hợp đồng.

Hiện nay có một số doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra những sản phẩm cạnh tranh về chia lãi (bảo tức), trường hợp thứ nhất, lãi được chia sẻ được thông báo hàng năm tới khách hàng vào ngày kỷ niệm tròn năm của hợp đồng bảo hiểm hoặc ngày cuối năm tài chính và được trả vào khi đáo hạn hợp đồng bảo hiểm, trường hợp thứ 2, lãi được chia có thể công bố hàng tháng hoặc hàng quý đối với những sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư và có thay đổi tuỳ theo kết quả đầu tư cao hay thấp thì lãi được chia sẻ cao hay thấp, thông báo cho người được bảo hiểm biết để lựa chọn đầu tư thêm hay rút bớt tiền đầu tư. Trường hợp thứ 3, doanh nghiệp công bố trả thêm quyền lợi bảo hiểm bằng tiền mặt hàng năm theo một tỷ lệ nhất định so với số tiền bảo hiểm, thực chất đây là khoản chia lãi của doanh nghiệp bảo hiểm bằng tiền mặt trả hàng năm cho người tham gia bảo hiểm.

Độc giả Trịnh Thu Phương (54 tuổi, TPHCM): Tôi đã được tư vấn viên bảo hiểm nhân thọ tiếp cận và trao đổi, nhưng họ yêu cầu tôi phải thanh toán phí trước khi hợp đồng bảo hiểm phát hành, tại sao lại như vậy?

Ông Đoàn Minh Phụng: Quá trình đại lý bảo hiểm tư vấn, hướng dẫn, giải đáp những vướng mắc của khách hàng để khách hàng đi đến quyết định tham gia bảo hiểm, việc đóng phí bảo hiểm là bằng chứng chứng tỏ khách hàng đã chấp nhận giao kết hợp đồng bảo hiểm theo đúng nội dung hợp đồng, giấy yêu cầu bảo hiểm, bảng minh hoạ bán hàng mà đại lý đã đưa cho khách hàng đọc, hỏi thêm và chấp nhận ký vào những tài liệu đó. Còn thủ tục cuối cùng là doanh nghiệp bảo hiểm phát hành hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng này tuy mới được DNBH ký tên đóng dấu trước nhưng hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm đã được phát sinh. Bởi vì được kết hợp với biên lai thu phí bảo hiểm, giấy yêu cầu bảo hiểm, bảng minh hoạ bán hàng mà khách hàng đã ký.

Do vậy, khi KH gặp rủi ro, không may bị từ vong trong thời hạn khách hàng chưa ký tên chính thức trên hợp đồng bảo hiểm thì DNBH vẫn phải thanh toán tiền bảo hiểm cho rủi ro tử vong này. Đồng thời, khách hàng có thể cân nhắc trong vòng 21 ngày kể từ ngày phát hành hợp đồng để xem xét có thể tham gia bảo hiểm hoặc từ chối, huỷ bỏ hợp đồng bảo hiểm một cách đơn phương, sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm hoàn trả lại phí bảo hiểm đã đóng.

Độc giả Đinh Thị Thắng (Hà Nội): Tôi rất muốn tham gia BHNT nhưng đang băn khoăn vì thu nhập của tôi không ổn định, có lúc rất cao nhưng cũng có lúc không dư dả nhiều? Chuyên gia có thể đưa ra lời khuyên giúp tôi?

Ông Đoàn Minh Phụng: Trong bảo hiểm nhân thọ có hai cách đóng phí, cách thứ nhất, đóng một lần duy nhất cả hợp đồng, trong khi đó, cách đóng phí hàng kỳ là cách phổ biến nhất. Nếu thu nhập khách hàng không ổn định, khi thu nhập cao, có thể chọn cách đóng phí một lần, hoặc có thể lựa chọn đóng theo mùa vụ, ví dụ mùa thu hoạch cà phê, hạt tiêu, cà phê cao su…đúng lúc thu hoạch bán được sản phẩm nông sản sẽ có được thu nhập.

Trường hợp khó khăn quá vẫn không đóng được phí bảo hiểm đúng hạn thì người tham gia bảo hiểm có thể lựa chọn các giải pháp sau: thứ nhất, đề nghị doanh nghiệp cho vay một số tiền đóng phí bảo hiểm với lãi suất ưu đãi, số tiền được vay tối đa bằng giá trị hoàn lại của hợp đồng đó tại thời điểm vay để duy trì được hợp đồng và bảo vệ quyền lợi của mình khi những rủi ro và sự kiện được bảo hiểm xảy ra. Trường hợp thứ 2, xin giảm số tiền bảo hiểm. Từ đó, giảm được số phí bảo hiểm phải đóng, đồng thời, số phí bảo hiểm đã đóng của thời kỳ trước đã dư ra một lượng nhất định để đóng phí bảo hiểm cho những kỳ tiếp theo đang khó khăn và hợp đồng vẫn được duy trì, quyền lợi bảo hiểm vẫn được đảm bảo.

Trường hợp thứ 3, xin gia hạn, thông báo với doanh nghiệp bảo hiểm tạm thời dừng hợp đồng bảo hiểm cho đến khi có thu nhập tốt sẽ tái tục lại hợp đồng bảo hiểm bằng 2 cách: cách 1, đóng đầy đủ phí bảo hiểm còn thiếu, đóng bổ sung phí bảo hiểm còn thiếu và thời hạn hợp đồng không đổi; cách 2, khởi động lại hợp đồng bảo hiểm, chỉ đóng phí bảo hiểm cho những kỳ tiếp theo. Hợp đồng bảo hiểm sẽ buộc phải thoả thuận lại về thời hạn bảo hiểm và mức phí bảo hiểm đóng mới.

Trường hợp xin chấm dứt hợp đồng và doanh nghiệp bảo hiểm hoàn trả lại giá trị hoàn lại. như vậy bạn có thể lựa chọn theo 4 cách trên để bảo đảm quyền lợi bảo hiểm của mình.

Độc giả Trần Minh (Bình Thạnh, TPHCM): Thời gian gia hạn đóng phí - Tôi được trì hoãn việc đóng phí trong bao lâu với trường hợp khó khăn về kinh tế?

Ông Phùng Đắc Lộc: Thời gian gia hạn tối đa là 60 ngày kể từ thời điểm người mua bảo hiểm không đóng đủ phí bảo hiểm theo đúng kỳ hạn quy định.

Độc giả Nguyễn Minh Phương (32 tuổi, Hà Nam): Khi tôi nộp tiền cho Đại lý mà đại lý ko nộp tiền cho công ty thì sao? Tôi phải làm gì để đảm bảo quyền và lợi ích của mình?

Ông Phùng Đắc Lộc: Khi nộp tiền cho đại lý, khách hàng sẽ được cung cấp hoá đơn hoặc biên lai thu phí, đây là chứng từ pháp lý thể hiện khách hàng đã đóng phí cho công ty bảo hiểm, đại lý là người làm việc theo sự uỷ quyền của công ty bảo hiểm thông qua hợp đồng đại lý. Theo quy định của pháp luật, những gì đại lý nhận được từ khách hàng được coi như là công ty bảo hiểm cũng nhận được từ khách hàng. Việc đại lý chiếm dụng phí không nộp cho công ty bảo hiểm không ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng, công ty bảo hiểm có quyền truy đòi và thu hồi khoản phí này từ người đại lý theo quy định của pháp luật.

Độc giả Lê Hồng Thắm: Tôi muốn tham gia bảo hiểm nhưng rất e ngại trong trường hợp xảy ra tranh chấp, doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực tài chính để theo đuổi việc kiện cáo, trong khi với bản thân tôi thì rất khó vì sẽ rất tốn kém, chuyên gia có lời khuyên gì?

Ông Đặng Ngọc Châu: Nếu xảy ra tranh chấp giữa công ty bảo hiểm và người mua bảo hiểm, mặc dầu doanh nghiệp bảo hiểm có tiềm lực tài chính, có đội ngũ luật sư đông đảo nhưng họ vẫn phải hành xử theo quy định của luật pháp.

Nếu bạn có cơ sở pháp lý và đầy đủ chứng cứ để đòi quyền lợi bảo hiểm của mình với sự trợ giúp của luật sư chuyên về bảo hiểm thì cơ may thắng lợi của bạn rất cao. Có rất nhiều trường hợp người mua bảo hiểm trung thực, đầy đủ chứng cứ về sự kiện bảo hiểm xảy ra được tòa án chấp nhận.

Hơn nữa sắp tới Bộ luật Hình sự 2015 có điều khoản 213 về gian lận trong kinh doanh bảo hiểm xử lý rất nghiêm khắc các cá nhân, pháp nhân cố ý làm sai lệnh thông tin để từ chối trả tiền bảo hiểm. Bạn có thể yên tâm.

Độc giả Hoàng Hà: Tôi năm nay đã 60 tuổi rồi, có nên tham gia bảo hiểm nhân thọ hay không? Nếu có thì tham gia loại hình nào phù hợp?

Ông Đoàn Minh Phụng: Tôi luôn khuyến khích khách hàng nên mua bảo hiểm nếu trước đó khách hàng chưa kịp mua bảo hiểm. Khách hàng có thể lựa chọn các sản phẩm bảo hiểm phù hợp, nhất là những sản phẩm bảo hiểm có thời hạn đóng phí không quá 10 năm, cụ thể các sản phẩm bảo hiểm thích hợp với khách hàng nằm ở nhóm bảo vệ và nhóm bảo hiểm hỗn hợp. Để tìm hiểu rõ hơn, khách hàng có thể tham khảo từ đội ngũ tư vấn viên của các công ty bảo hiểm.

Độc giả Thuý Hằng: Tôi có nghe nói về quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Quỹ này hoạt động thế nào? Nó bảo vệ người tham gia bảo hiểm ra sao?

Ông Phùng Đắc Lộc: Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật kinh doanh bảo hiểm quy định từ năm 2010 và đến ngày 20 tháng 8 năm 2013, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 101 hướng dẫn về việc thu, trích lập, sử dụng, thanh quyết toán Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm. Theo đó, các doanh nghiệp bảo hiểm hàng năm phải nộp vào quỹ tối đa 0,3% doanh thu phí bảo hiểm. Số tiền này dùng để chi trả cho khách hàng khi doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hoặc phá sản. Bao gồm: 1. Hoàn lại phí bảo hiểm đã đóng khi hợp đồng bảo hiểm không được chuyển giao cho một doanh nghiệp bảo hiểm khác. 2. Chi trả quyền lợi bảo hiểm cho khách hàng khi sự kiện hoặc rủi ro được bảo hiểm xảy ra trước ngày doanh nghiệp bảo hiểm đó mất khả năng thanh toán.

Độc giả Vũ Mai Thành: Vụ việc người phụ nữ tại Hà Nội chặt tay chân để trục lợi bảo hiểm, theo ông/bà tình trạng trục lợi bảo hiểm bằng cách tự đốt nhà, đâm xe, giả tai nạn… có diễn ra nhiều hay không, đơn vị bảo hiểm trong trường hợp này xử lý như thế nào?

Ông Đoàn Minh Phụng: Việc trục lợi bảo hiểm trên thế giới cũng như ở Việt Nam không hề mới, trong số những hình thức trục lợi bảo hiểm có hình thức cố ý gây thiệt hại cho tài sản hoặc cố ý gây thương tích, trường hợp cố ý gây thiệt hại cho tài sản xảy ra nhiều hơn là trường hợp tự ý gây thương tích hoặc tự tử. Trong trường hợp có bằng chứng của việc bên mua bảo hiểm có hành vi cố ý gây thiệt hại tài sản hoặc tự ý gây thương tích doanh nghiệp bảo hiểm có quyền từ chối bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm. Theo quy định của bộ luật hình sự 2015 tại điều 213, người có hành vi trục lợi bảo hiểm tuỳ theo mức độ vi phạm có thể bị phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù.

Độc giả Hoàng Hà: Đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, hiện tại quy định không cho phép bên mua bảo hiểm được quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Điều này có vi phạm nguyên tắc tự nguyện của giao dịch và quyền cơ bản của khách hàng hay không? Tại sao có sự phân biệt về điểm này giữa bảo hiểm hưu trí tự nguyện và các loại bảo hiểm khác?

Ông Phùng Đắc Lộc: Bảo hiểm hưu trí tự nguyện được Bộ Tài chính ban hành Thông tư hướng dẫn số 115 ngày 20/8/2013, do đó mọi quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm và quản lý quỹ bảo hiểm hưu trí tự nguyện đều phải tuân theo thông tư này, bạn hiểu nhầm về việc chấm dứt hợp đồng trước hạn. Tại thông tư cũng như các hợp đồng bảo hiểm hưu trí tự nguyện có quy định: mặc dù người tham gia bảo hiểm không đóng phí bảo hiểm thì vẫn không được trả quyền lợi bảo hiểm và chỉ đợi khi người này đến hết độ tuổi lao động (nam là 60, nữ là 55) thì mới được trả số tiền bảo hiểm được dồn tích trên tài khoản bảo hiểm hưu trí của họ. Tuy nhiên, những trường hợp sau đây thì vẫn được trả quyền lợi bảo hiểm hưu trí khi chưa đến độ tuổi trên: 1. Bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn. 2. Bị tử vong.

Độc giả Trần Văn Hải hỏi: Tôi đã mua BHXH và BHYT, vậy có cần thiết phải mua thêm BHNT nữa hay không, vì sao? ĐMP

Ông Đoàn Minh Phụng: BHXH bao gồm BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyên. BHXH bắt buộc bao gồm các chế độ trợ cấp : ốm đau, thai sản, tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tử tuất và hưu trí. BHXH tự nguyện bao gồm hai chế độ hưu trí và tử tuất. Khi người có BHXH gặp rủi ro hoặc khi về già, BHXH sẽ chi trả các khoản trợ cấp trên cho người được hưởng BHXH. Trừ chế độ thai sản, các chế độ khác mức hưởng được tính bằng một tỷ lệ % nhất định (dưới 100%) trên thu nhập thường xuyên (lương và các khoản phụ cấp khác có tính chất thường xuyên) cho thời gian hưởng trợ cấp. Chẳng hạn, trợ cấp ốm đau, tai nạn lao động, trợ cấp hưu trí (lương hưu) được tính tối đa bằng 75% tiền lương khi làm việc. Nhìn chung, nguyên tắc chi trả của BHXH ở tất cả các quốc gia là mức hưởng BHXH thấp hơn thu nhập khi còn làm việc.

- BH y tế đảm bảo chi trả chi phí khám, chữa bệnh cho người được hưởng BHYT. Trừ một số đối tượng do NSNN đóng BHYT như sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, người có công với cách mạng, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, …Mức hưởng BHYT của đại đa số các đối tượng hưởng BHYT đều ở mức 80% chi phí khám chữa bệnh với dịch vụ thông dụng do Bộ Y tế quy định (không phải dịch vụ theo yêu cầu).

Qua đó cho thấy, người có BHXH, BHYT được bảo vệ trước các rủi ro xảy ra trong cuộc sống. Tuy nhiên, mức hưởng BHXH và BHYT phần lớn là thấp hơn thu nhập và chi phí phát sinh. Hơn nữa, người được BH không được quyết định tiền lương hưu hoặc dịch vụ y tế được hưởng. BHNT có thể khắc phục được các hạn chế, khiếm khuyết này của hệ thống BHXH, BHYT. Cùng với các chế độ BHXH, BHYT được hưởng, tham gia BHNT giúp cho người đươc BH có thể có được một cuộc sống thoải mái hơn khi về già, có thể bù đắp phần chi phi khám chữa bệnh mà BHYT không đảm bảo và đặc biệt là có thể lựa chọn được dịch vụ y tế hoàn hảo hơn.

Độc giả hỏi: Có nhiều trường hợp bị từ chối chi trả Bảo hiểm vì được kết luận là trục lợi bảo hiểm, Vậy trục lợi bảo hiểm là gì? Tại sao các công ty bảo hiểm lại từ chối chi trả đối với hành vi này?

Ông Phùng Đắc Lộc: Bộ Luật Hình sự 2015 có quy định tội danh gian lận bảo hiểm mà trong thuật ngữ chuyên ngành bảo hiểm quốc tế thường gọi là trục lợi bảo hiểm. Trục lợi bảo hiểm là hành vi cố ý tự hủy hoại sức khỏe, tài sản của mình hoặc cố ý giả mạo làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm, thông đồng với người được bảo hiểm để được hưởng số tiền chi trả bảo hiểm trái pháp luật. Cụ thể điều 213 Bộ Luật Hình sự quy định các hành vi gian lận bảo hiểm.

Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm và nhân viên, đại lý bảo hiểm có thể bị kết tội khi thông đồng với người được bảo hiểm để trả tiền bảo hiểm trái pháp luật hoặc khi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm để từ chối trả tiền bảo hiểm.

Người được bảo hiểm, người bảo hiểm hoặc người thông đồng với họ để được chia tiền chi trả bảo hiểm bị kết tội chiếm đoạt tiền bảo hiểm khi giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin trong hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc tự hủy hoại về tài sản, sức khỏe của mình để được hưởng quyền lợi bảo hiểm.

Những người liên quan như người xác nhận vào các tài liệu giả mạo, xác nhận những thông tin sai lệch cũng bị xử lý hình sự như những người cung cấp tài liệu chứng từ sai sự thật về điều trị, viện phí, hồ sơ hiện trường tai nạn, giấy chứng thương, giấy chứng tử,….

Độc giả hỏi: Có người nói là "mua bảo hiểm bỏ tiền ra thì dễ, nhưng lấy tiền về khó lắm, " suy nghĩ này có đúng không ạ?

Ông Phùng Đắc Lộc: Muốn được trả tiền bảo hiểm nhanh thì tuỳ thuộc vào việc khi xảy ra sự kiện bảo hiểm hoặc rủi ro được bảo hiểm bạn có cung cấp được những bằng chứng chứng minh về rủi ro bảo hiểm đã xảy ra và mức độ thiệt hại thông qua những hoá đơn, chứng từ, tài liệu cần thiết cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm. Nếu cung cấp đầy đủ chính xác, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền ngày theo đúng quy định của Bộ Tài chính là 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ bộ hồ sơ nói trên.

Trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nghi vấn, được quyền tổ chức điều tra, xác minh những thông tin chưa sát với thông tin, ví dụ cảm cúm và nằm viện, đau bụng nằm viện 2 tháng…. Trong vòng 30 ngày nếu không xác minh được thì vẫn phải trả tiền bảo hiểm. Trừ trường hợp có nghi vấn doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị các cơ quan chức năng điều tra, thì phải chờ kết luận của cơ quan điều tra mới trả tiền được, ví dụ: tự thương, tự tử, chết rồi mới mua bảo hiểm, hoặc những bệnh hiểm nghèo mắc trước rồi mới mua bảo hiểm

Độc giả Phạm Nhật Nam: Trong trường hợp xảy ra tranh chấp giữa công ty bảo hiểm và khách hàng thì khách hàng có thể tìm tới đâu và nên làm gì để được tư vấn và bảo vệ quyền lợi hợp pháp?

Ông Đặng Ngọc Châu: Tranh chấp Hợp đồng bảo hiểm là một trong những tranh chấp dân sự khá phức tạp và đòi hỏi kỷ năng chuyên ngành để giải quyết. Vì vậy, khi Người mua bảo hiểm/ Người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm nếu có xảy ra tranh chấp với Công ty bảo hiểm thì tốt nhất nên đến gặp Luật sư chuyên về bảo hiểm để nhờ họ tư vấn, giúp đở.

Luật sư sẽ tư vấn giúp bạn phân tích Hồ sơ yêu cầu bảo hiểm, Quy tắc điều khoản bảo hiểm, Hợp đồng BH; thu thập, củng cố chứng cứ , áp dụng đúng các quy định luật pháp bảo hiểm liên quan đến tranh chấp. Tùy vào Hồ sơ BH, chứng cứ,nội dung tranh chấp .. Luật sư sẽ giúp bạn chọn phương án giải quyết tranh chấp nào cho hiệu quả nhất .Tùy từng trường hợp Luật sư sẽ gúp bạn làm Đơn khiếu nại Công ty BH, thương lượng, hòa giải, hay khởi kiện Công ty BH ra Tòa án có thẩm quyền.

Độc giả Minh Nhật (Hà Nội): BHNT thường có thời gian đóng rất dài, tuy nhiên, trong những trường hợp không đảm bảo thu nhập, người tham gia bảo hiểm lại phải chịu thiệt, để tránh trường hợp này thì chúng tôi nên làm gì?

Ông Đoàn Minh Phụng: Do trong BHNT kỳ hạn đóng phí thường kéo dài nhiều năm, một số người tham gia BH có thể đóng đươc một số kỳ nhưng sau đó gặp khó khăn tài chính cho việc thực hiện cam kết đóng phí. Dự tính đến khả năng này, phần lớn các hợp đồng BHNT đều thiết kế điều khoản cho khách hàng vay để đóng phí. Tuy nhiên, khoản được vay nhiều hay ít phụ thuộc vào việc người tham gia BH đã đóng được bao nhiêu kỳ và “tài khoản” của họ đã tích lũy được bao nhiêu. Và tất nhiên có vay thì phải có trả.

Trường hợp không thể vay thêm để đóng phí được nữa người tham gia BH có thể cân nhắc việc huy động từ nguồn khác để duy trì cam kết đóng phí bởi nếu dừng đóng phí và chấm dứt hợp đồng thì họ phải chịu thiệt. Tất nhiên đây không phải là giải pháp cho mọi trường hợp được bởi lẽ nó còn phụ thuộc vào việc khó khăn tài chính của người tham gia BH là tạm thời hay vĩnh viễn, khó khăn trước mắt hay lâu dài; kỳ hạn đóng phí còn lại là nhiều hay ít; …Lời khuyên của tôi là người tham gia BH nên xin tư vấn bộ phận dịch vụ khách hàng của công ty BHNT để có lời khuyên hữu ích cho từng trường hợp cụ thể.

Độc giả hỏi: Bố tôi tham gia bảo hiểm, nhưng tôi lại là người đại diện ông điền thông tin trong hồ sơ và ký trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm. Trong trường hợp xảy ra rủi ro với bố tôi, liệu công ty có chi trả quyền lợi bảo hiểm khi họ phát hiện ra tôi đã điền thông tin và ký thay bố tôi trong hợp đồng bảo hiểm.

Ông Phùng Đắc Lộc: Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ thể hiện sư giao kết dân sự giữa cá nhân tham gia bảo hiểm với DNBH. Theo luật kinh doanh bảo hiểm, HĐBH phải thể hiện bằng văn bản. Theo luật kinh doanh bảo hiểm và Bộ Luật dân sự, chữ ký của người tham gia bảo hiểm trong HĐBH thể hiện đồng thuận của người tham gia bảo hiểm với DNBH trong giao kết HĐBH và các nội dung được ghi trên HĐBH. Vì vậy, nếu bạn đại diện cho bố của mình điền các thông tin và ký trên hồ sơ yêu cầu bảo hiểm (là một bộ phận không thể tách rời của HĐBH) phải được sự ủy quyền bằng văn bản của người bố theo đúng quy định của pháp luật. Trường hợp không có văn bản ủy quyền thì hợp đồng bị vô hiệu. Để khắc phụ tình trạng này, bạn yêu cầu công ty bảo hiểm làm lại thủ tục đề sửa chữa các sai sót trên khi muốn tiếp tục để sửa chữa các sai sót trên khi muốn tiếp tục duy trì HĐBH và chưa xảy ra sự kiện bảo hiểm để trả tiền bảo hiểm.

Độc giả hỏi: Cuối năm 2014, chồng tôi có tham gia hợp đồng bảo hiểm của một công ty bảo hiểm tại Việt Nam, giữa năm 2015 chồng tôi đi xuất khẩu lao động tại Angola, tôi ở nhà vẫn đóng phí đầy đủ nhưng chúng tôi không thông báo việc chồng tôi rời Việt Nam đi xuất khẩu lao động ra nước ngoài. Mới đây chồng tôi không may bị bệnh dẫn đến tử vong, công ty bảo hiểm từ chối với lý do chồng tôi đi khỏi Việt Nam mà không thông báo với họ. Liệu quyết định từ chối của doanh nghiệp bảo hiểm này có đúng không?

Ông Phùng Đắc Lộc: Việc không thông báo người được bảo hiểm đi xuất khẩu lao động nước ngoài (Angola) là một trong những tình tiết liên quan đến làm tăng rủi ro được bảo hiểm. Nhưng khi về nước trong thời hạn HĐBH và chồng bạn (người được bảo hiểm) không may bị bệnh dẫn tới tử vong có thể xảy ra các trường hợp sau:

- Bị bệnh và tử vong tại nước ngoài (Angola) không được bảo hiểm

- Bị bệnh và tử vong tại Việt Nam trong thời hạn của Hợp đồng bảo hiểm mà nguyên nhân mắc bệnh không phải là một trong những dịch bệnh lan truyền, bệnh nghề nghiệp trong thời gian xuất khẩu lao động tại Angola mà DNBH có thể chứng minh được thì DNBH từ chối trả tiền bảo hiểm.

Bị bệnh và tử vong tại Việt Nam trong thời gian của HĐBH không phải là các bệnh lan truyền bệnh nghề nghiệp bị mắc từ Angola thì DNBH vẫn phải trả tiền bảo hiểm.

Độc giả hỏi: Trong một gia đình, những đối tượng nào cần được ưu tiên đóng bảo hiểm trước?

Ông Đoàn Minh Phụng: Theo quan điểm của tôi, nếu gia đình có trẻ em và người cần nuôi dưỡng thì đối tượng cần ưu tiên bảo hiểm trước là người trụ cột trong gia đinh, người tạo ra thu nhập nuôi sống gia đình giống như trên máy bay mặt nạ dưỡng khí khi cần thiết phải dùng được khuyến cáo là đeo cho mình trước, trẻ em đi kèm và người cần giúp đỡ sau. Đối tượng cần được ưu tiên thứ hai là trẻ em bởi BHNT cho trẻ em vừa đảm bảo cho trẻ được bảo vệ trong tình huống xấu khi mất đi người nuôi dưỡng vừa có nguồn tài chính cho tương lai học hành sau này.

Nếu gia đình không có trẻ em hoặc người cần nuôi dưỡng thì ưu tiên cho các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp nhân thọ, liên kết đầu tư hoặc an hưởng tuổi già.

Độc giả hỏi: Hợp đồng bảo hiểm có rất nhiều thông tin và các thuật ngữ mà những người dân bình thường như chúng tôi không hiểu được hết, nếu đại lý không giải thích đầy đủ thì chúng tôi có thể tìm sự trợ giúp ở đâu?

Ông Phùng Đắc Lộc: Nghị định 45/2007/NĐ - CP điều 20 khoản 4 điểm b quy định ngôn ngữ sử dụng trong quy tắc điều khoản bảo hiểm phải chính xác, cách diễn đạt đơn giản, dễ hiểu. Đối với thuật ngữ chuyên môn cần xác định rõ nội dung thì phải định nghĩa rõ trong quy tắc, điều khoản bảo hiểm và NĐ 73/2016/NĐ- CP có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 quy định như trên. Nếu trong hợp đồng bảo hiểm, những quy tắc, điều khoản, điều kiện bảo hiểm có nhiều thông tin và các thuật ngữ mà khách hàng tham gia giao kết hợp đồng bảo hiểm chưa hiểu rõ đại lý bảo hiểm không giải thích đầy đủ thì người tham gia bảo hiểm có thể thông qua đại lý bảo hiểm để biết số máy liên hệ với người có thẩm quyền của doanh nghiệp bảo hiểm giải thích hoặc tham khảo ý kiến luật sư hoặc các chuyên gia trong lĩnh vực bảo hiểm.

Độc giả hỏi: Chúng tôi thường không được trực tiếp làm việc với công ty mà thông qua đại lý, làm thế nào để có thể chọn được đại lý uy tín và tư vấn đầy đủ thông tin cho chúng tôi?

Ông Phùng Đắc Lộc: Thường những đại lý có uy tín và cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng theo yêu cầu của bạn là những đại lý đã hoạt động lâu năm liên tục và có nhiều thành công (ký kết được nhiều hợp đồng bảo hiểm). Bạn có thể đưa ra những câu hỏi để đánh giá chất lượng của đại lý như đã được cấp chứng chỉ đào tạo đại lý chưa, khi nào, đã ký hợp đồng đồng đại lý chưa, ký với DNBH nào, cấp mã số đại lý chưa, có ký được nhiều hợp đồng bảo hiểm không, khách hàng của đại lý đã ký kết hợp đồng bảo hiểm là những đối tượng nào, người ký gần đây nhất là ai, làm gì, ở đâu, ký như thế nào để tôi tham khảo, thu nhập một năm gần đây của đại lý là bao nhiên. Nếu chưa tin câu trả lời bạn có thể yêu cầu đại lý chứng minh cụ thể thêm.

Tuy nhiên, một số đại lý mới có 1, 2 năm trong nghề những với khôn mặt dễ tin, thái độ nghiêm túc trung thực, giao tiếp cởi mở, sẵn sàng giúp đỡ khách hàng cũng là những yếu tố đáng tin cậy để khách hàng tin tưởng.

Ngoài ra, khi đã giao kết hợp đồng bảo hiểm trong thời hạn 21 ngày cân nhắc (dù đã ký hợp đồng và đóng phí bảo hiểm lần đầu đầy đủ, khách hàng vẫn có quyền hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm và được hoàn trả phí bảo hiểm khi không muốn tham gia bảo hiểm nữa) khách hàng có thể gọi điện trực tiếp cho DNBH để hỏi thêm một số thông tin chưa rõ ràng và thông tin thêm về đại lý.

Độc giả hỏi: Nếu tôi quên kỳ đóng phí bảo hiểm dẫn đến việc hợp đồng của tôi bị mất hiệu lực, vậy trách nhiệm của công ty bảo hiểm ở đây như thế nào?

Ông Phùng Đắc Lộc: Luật Kinh doanh BH điều 35 khoản 2 quy định: trong trường hợp đóng phí bảo hiểm làm nhiều lần, bên mua bảo hiểm không thể đóng phí bảo hiểm vào kỳ hạn đóng phí thì sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày gia hạn hợp đồng bảo hiểm, DNBH có quyền đơn phương đình chỉ hợp đồng bảo hiểm.

Như vậy, khi hết thời hạn đóng phí mà người mua bảo hiểm không đóng được phí bảo hiểm cho DNBH thì DNBH phải thông báo cho người mua bảo hiểm biết và gia hạn thêm 60 ngày để thực hiện nghĩa vụ đóng phí bảo hiểm. Quá thời hạn trên, DNBH mới được quyền đình chỉ hợp đồng bảo hiểm và hoàn trả lại giá trị hoàn lại cho người mua bảo hiểm.

Trường hợp của bạn khi nhận thông báo đình chỉ hợp đồng bảo hiểm, bạn có thể đề nghị DNBH 1 trong 4 cách xử lý sau đây: Chấm dứt hợp đồng bảo hiểm để nhận lại giá trị hoàn lại; Tiếp tục thực hiện hợp đồng bảo hiểm bằng cách xin vay số tiền từ doanh nghiệp trong phạm vi giá trị hoàn lại để thực hiện nghĩa vụ đóng phí; Xin giảm số tiền bảo hiểm (quyền lợi bảo hiểm) để giảm số phí phải đóng hàng kỳ làm cho số tiền đóng phí bảo hiểm từ trước đến ngày xảy ra sự kiện trên dư ra coi như đã đóng trước phí bảo hiểm cho một số kỳ tiếp theo tương đương với số tiền dôi dư đó, đến khi nào khả năng tài chính tốt sẽ tăng thêm số tiền bảo hiểm.

Xin tạm dừng hợp đồng bảo hiểm trong một thời gian nhất định (trong thời gian này nếu xảy ra rủi ro hoặc sự kiện được bảo hiểm sẽ không được hưởng quyền lợi bảo hiểm) sau đó tái tục khôi phục lại hợp đồng bảo hiểm.

Độc giả hỏi: Tôi muốn xin công văn 1365 ngày 25/1/2013 của Bộ Tài Chình cấp. Đây là công văn đính kèm về bộ tiêu chuẩn số ngày nằm viện điều trị với một số nhóm bệnh thông thường. Vì tôi mới chỉ nghe thấy đại lý bảo hiểm nói chứ không tìm thấy tài liệu.

Ông Đặng Ngọc Châu: Chào bạn, về vấn đề này, bạn có thể tham khảo tìm hiểu thêm ở Quy định của Luật bảo hiểm xã hội về chế độ ốm đau của người tham gia bảo hiểm được quy định từ điều 21 – điều 26 Luật bảo hiểm xã hội 2006. Hoặc tham khảo thêm Mục 1 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015.

Độc giả hỏi: Trong trường hợp một công ty bảo hiểm nhân thọ phá sản, số tiền chúng tôi đóng vào sẽ được xử lý như thế nào? Ai sẽ bảo vệ chúng tôi?

Ông Phùng Đắc Lộc: Bạn yên tâm , Luật pháp hiện hành có quy định rất nhiều biện pháp hiệu quả để bảo vệ quyền lợi của Người mua bảo hiểm trong trường hợp Doanh nghiệp bảo hiểm bị mất khả năng thanh toán , phá sản.

Trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh bảo hiểm Doanh nghiệp bảo hiểm phải luôn duy trì khả năng thanh toán như phải trích lập đầy đủ Quỹ Dự phòng nghiệp vụ, Quỹ Bảo vệ Người mua bảo hiểm , tái bảo hiểm để bảo đảm việc thanh toán, hoàn phí cho Người mua bảo hiểm.

Riêng Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm do Hiệp Hội Bảo hiểm quản lý . Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm bị phá sản, Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm được Hiệp Hội bảo hiểm sử dụng để trả tiền bảo hiểm, giá trị hoàn lại; trả tiền bồi thường bảo hiểm; hoàn phí bảo hiểm cho Nguòi mua bảo hiểm theo quy định tại hợp đồng bảo hiểm.

Đối với trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm có nguy cơ mất khả năng thanh toán, Bộ Tài chính có quyền yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện khôi phục khả năng thanh toán, gồm các biện pháp như Bổ sung nguồn vốn chủ sở hữu; Tái bảo hiểm; Củng cố tổ chức bộ máy và thay đổi người quản trị, điều hành của doanh nghiệp; Yêu cầu chuyển giao hợp đồng bảo hiểm…

Trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm không khôi phục được khả năng thanh toán theo yêu cầu của Bộ Tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm bị đặt vào tình trạng kiểm soát khả năng thanh toán. Bộ Tài chính quyết định thành lập Ban kiểm soát khả năng thanh toán để áp dụng các biện pháp khôi phục khả năng thanh toán theo quy định Luật kinh doanh bảo hiểm, Luật phá sản các văn bản hướng dẫn có liên quan

Độc giả hỏi: Những sản phẩm bảo hiểm và các hợp đồng bảo hiểm có được phê duyệt hoặc thông qua bởi các cấp có thẩm quyền hay không?

LS Đặng Ngọc Châu: Các sản phẩm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai.

Doanh nghiệp bảo hiểm phải công bố các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai bao gồm: Quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu có liên quan trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam và Doanh nghiệp bảo hiểm.

Trong thời gian vừa qua, tại một số địa phương có một số người lợi dụng danh nghĩa các Công ty Bảo hiểm để lừa đảo người dân , chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng. Những kẻ lừa đảo này tự đặt ra các sản phẩm bảo hiểm kỳ lạ với mức lãi rất cao, quyền lợi rất lớn điều khoản bảo hiểm không bình thường, tự in ấn hồ sơ và tổ chức bán các sản phẩm bảo hiểm ngoài luồng. Những kẻ này đã và đang bị các cơ quan pháp luật theo dỏi, trừng trị.

Vì vậy, Bạn đừng nên giao dịch với bất kỳ ai bán các Sản phẩm bảo hiểm với những điều kiện quá hấp dẫn, quá dễ dàng . Hãy kiểm tra trước với Văn phòng đại diện Cty bảo hiểm tại địa phương, với Tổng đại lý , Văn phòng Công ty bảo hiểm, Website của Công ty bảo hiểm về sản phẩm định mua bảo hiểm trước khi ký tên vào Hợp đồng , và đóng số tiền bảo phí đầu tiên cho Đại lý bảo hiểm.

Độc giả hỏi: Đến thời điểm này, BHNT Việt Nam đã hình thành và phát triển được 20 năm, ông đánh giá như thế nào về những thành tựu và đóng góp của BHNT đối với nền kinh tế Việt Nam cũng như với người dân trong việc đảm bảo an sinh xã hội?

Ông Phùng Đắc Lộc: Kể từ ngày 22/6/1996 Bộ Tài chính cho phép tổ chức triển khai thí điểm kinh doanh BHNT đến nay ngành kinh doanh đặc thù này đã trải qua 20 năm. BHNT đã đóng góp rất lớn cho nền kinh tế cũng như an sinh xã hội.

Với 18 DNBH Nhân thọ đang hoạt động, chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ngày càng hoàn thiện, từ Luật Kinh doanh bảo hiểm (năm 2000 và 2010) đến các Nghị định, Thông tư hướng dẫn.

Các DNBH đã cung cấp hơn 350 sản phẩm bảo hiểm cho khách hàng lựa chọn, với hệ thống đại lý bảo hiểm hơn 400.000, triển khai đưa sản phẩm bảo hiểm đến tận tay khách hàng kể cả miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Năm 2015 tổng doanh thu bảo hiểm nhân thọ đạt 38.110 tỉ đồng (tăng 34,4%), với trên 5,6 triệu người tham gia bảo hiểm sản phẩm chính và 5,7 triệu hợp đồng bảo hiểm bổ trợ, trả tiền bảo hiểm trên 10.000 tỉ đồng trong đó có 1.577 tỉ đồng trả bảo tức. Đầu tư tài chính vào nền kinh tế quốc dân 126.833 tỉ đồng, trong đó 85% là mua trái phiếu chính phủ, đặc biệt là trái phiếu 20 năm chiếm 6.230 tỉ đồng, trái phiếu 30 năm là 3.900 tỉ đồng, không một tổ chức nào ở Việt Nam thực hiện được việc này.

Trong 20 năm qua ngành bảo hiểm nhân thọ đã phục vụ cho 20 triệu lượt khách hàng, mỗi năm có hơn một triệu lượt khách hàng tham gia bảo hiểm và gần 1 triệu lượt khách hàng được trả quyền lợi bảo hiểm: đáo hạn hợp đồng bảo hiểm, xảy ra sự kiện được bảo hiểm, chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn. Tổng số tiền chi trả quyền lợi bảo hiểm thời gian 20 năm qua là 120.000 tỉ đồng.

Những năm qua ngành bảo hiểm nhân thọ cũng đã tạo công ăn việc làm cho trên 400.000 người, đóng góp trên 1.500 tỉ đồng cho các hoạt động từ thiện, an sinh xã hội, khuyến học, văn hoá thể thao.

Chắc chắn trong quá trình hình thành và phát triển của mình, ngành bảo hiểm nói chung và từng doanh nghiệp nói riêng không tránh khỏi những thiếu sót. Qua công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm – Bộ Tài chính đã xử lý, chấn chỉnh kịp thời một số lỗi vi phạm hoặc sự việc đáng tiếc xảy ra.

Độc giả hỏi: Trước khi quyết định tham gia BHNT, ngoài vấn đề về tài chính, chúng tôi cần phải chuẩn bị những gì?

Ông Đoàn Minh Phụng: Tham gia BH nhân thọ tạo ra nếp sống đẹp, có trách nhiệm đối với bản thân và người thân, là tiêu chí cần thiết cho một xã hội văn minh. BHNT có thời hạn dài, thường đóng phí làm nhiều kỳ, và có thể đạt tới nhiều mục tiêu khác nhau.

Vì vậy, ngoài vấn đề tài chính, trước hết cần phải tìm hiểu kỹ nội dung hợp đồng, cần thiết có thể yêu cầu bên DNBH giải thích rõ những điều bạn quan tâm. Việc làm này để chắc chắn rằng bạn không ký hợp đồng BHNT với bất kỳ một sự ngộ nhận nào.

Điều thứ hai là phải có sự bàn bạc trong gia đình để có sự đồng thuận, nhất trí về mục đích, cách thức, loại hình sản phẩm BH tham gia. Điều này là rất quan trọng bởi mọi thành viên trong gia đình đều có quyền biết, có quyền bàn bạc trước quyết định tham gia BH, ngay cả với trẻ em. Nếu một đứa trẻ biết bố mẹ tham gia bảo hiểm để lo cho tương lai học hành của nó thì tự khắc sẽ cảm động, tự hào và yêu thương bố mẹ hơn, có động lực để học hành hơn. Nếu vợ chồng nhất tâm vì một mục tiêu đẹp đẽ khi tham gia BHNT thì họ sẽ quyết tâm cùng nhau vượt qua mọi khó khăn kể cả là khó khăn tài chính (nếu có) trong quá trình thực hiện hợp đồng BH.Hơn thế nữa, nếu có bàn bạc trước sẽ ít xảy ra tranh chấp không đáng có trong gia đình khi nhận quyền lợi BH.

Điều thứ 3, nên chia sẻ cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp về việc tham gia để có sự động viên, khích lệ của họ cho việc thực hiện mục tiêu đẹp đẽ đó là mua BH để lo cho tương lai của con, của gia đình. Hơn nữa có sự chia sẻ này bạn sẽ quyết tâm vượt qua khó khăn và có được giúp đỡ cần thiết của họ mỗi khi bạn cần đến.

Độc giả hỏi: Làm thế nào để khai đúng, khai đủ, trong khi bản thân chúng tôi nhiều khi cũng không nắm được hết tình trạng sức khoẻ của mình?

Ông Phùng Đắc Lộc: Mục đích của việc cung cấp thông tin về tuổi, lịch sử bệnh tật và điều trị, thu nhập, hợp đồng bảo hiểm nhân thọ đã ký với DNBH khác là để DNBH xác định được rủi ro, khả năng tài chính của khách hàng tham gia bảo hiểm lâu dài, ổn định nhằm chấp nhận bảo hiểm và xác định số tiền bảo hiểm với mức độ đóng phí bảo hiểm phù hợp. Những thông tin này phải trung thực chính xác và theo sự hiểu biết của khách hàng. Nếu kê khai không trung thực chính xác thì ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Ví dụ: khai sai tuổi, khai chưa nằm viện lần nào hay nằm viện vì bệnh này nhưng khai vì bệnh khác. Khi trả tiền bảo hiểm, DNBH phát hiện khai sai tuổi, đã điều trị tại cơ sở y tế hợp pháp về bệnh loại trừ không được bảo hiểm thì DNBH có quyền từ chối thanh toán tiền bảo hiểm. Nói chung người tham gia bảo hiểm khi kê khai về lịch sử thương tật cần kê khai trung thực thời gian từ 2 đến 5 năm gần đúng (tùy theo số năm yêu cầu kê khai của DNBH) đã đi khám sức khỏe ở đâu, phát hiện ra bệnh gì,,đã nằm điều trị bệnh gì ở đâu.

 Nguồn .
http://dantri.com.vn/kinh-doanh/hang-loat-thac-mac-ve-bao-hiem-nhan-tho-duoc-giai-dap-tai-toa-dam-bao-hiem-va-doi-song-2016082407085207.htm
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 comments

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Giải đáp, tư vấn Bảo hiểm nhân thọ,bảo hiểm phi nhân thọ.
Designed by Blog Thiet Ke
Posts RSSComments RSS
Back to top