(ĐTCK) Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) sẽ có hiệu lực từ ngày 1/12/2018 và có nhiều quy định mới về đóng hưởng BHYT.
Sáng 2/11, tại buổi họp báo cung cấp thông tin định kỳ tháng 10, ông Nguyễn Tất Thao, Phó trưởng Ban Thực hiện chính sách BHYT (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) đã thông tin về những điểm mới của Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Theo đó, về mức hưởng và thanh toán chi phí khám chữa bện BHYT, ông Thao cho biết: “Mức hưởng khi đi khám chữa bện đúng nơi đăng ký khám chữa bệnh ban đầu và xuất trình đầy đủ thủ tục khám chữa bện BHYT sẽ được quy định với mức 100%, 95%, 80% theo mức hưởng của đối tượng. Trường hợp được thanh toán 100 % khám chữa bện tại trạm y tế xã, chi phí 1 lần khám thấp hơn 15% mức lương cơ sở; tham gia 5 năm liên tục, chi phí cùng chi trả lớn hơn 6 tháng lương cơ sở”.Bên cạnh đó, việc cấp phát thuốc tại trạm y tế xã đối với trường hợp người bệnh được cơ sở khám chữa bện tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi tại tuyến xã. Người bệnh được cơ sở khám chữa bện tuyến trên chẩn đoán, chỉ định điều trị và chuyển về để quản lý, theo dõi, cấp phát thuốc tại cơ sở khám chữa bệnh tuyến xã theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Mức hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với người cận nghèo đang sinh sống tại huyện nghèo là 100%. Người nghèo đa chiều thiếu hụt BHYT được hỗ trợ 70%. Học sinh sinh viên, người thuộc hộ gia đình nông - lâm - ngư - diêm nghiệp có mức sống trung bình được hỗ trợ 30%.
Người cận nghèo mới thoát nghèo sẽ không còn được hỗ trợ đóng BHYT 5 năm.
Về điều chỉnh mức hưởng BHYT, theo Nghị định 146/2018/NĐ-CP, người tham gia kháng chiến nhưng không phải là người có công với cách mạng và cựu chiến binh: Giảm từ 100% xuống 80% theo đúng quy định của Luật BHYT.
Trường hợp người từ đủ 80 tuổi trở lên đang hưởng trợ cấp tuất hàng tháng, Nghị định quy định tăng từ 80% lên 100% để đảm bảo công bằng với các đối tượng bảo trợ xã hội trên 80 tuổi khác.
Cũng theo ông Thao, ngoài việc quy định mức hưởng mới, Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định về bổ sung đối tượng tham gia BHYT ở 3 nhóm.
Nhóm do ngân sách nhà nước đóng: Dân công hỏa tuyến tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Quyết định số 49/2015/QĐ-TTg; Thanh niên xung phong cơ sở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975; Nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú được Nhà nước phong tặng thuộc hộ gia đình có mức thu nhập bình quân hàng tháng thấp hơn mức lương cơ sở.
Nhóm tham gia BHYT theo hộ gia đình: Chức sắc, chức việc, nhà tu hành; Người sinh sống trong cơ sở bảo trợ xã hội (không tham gia tại các nhóm khác).
Ngoài ra, Nghị định 146/2018/NĐ-CP cũng bổ sung nhóm do người sử dụng lao động đóng, gồm thân nhân công nhân, viên chức Quốc phòng, Công an và người làm công tác khác trong tổ chức cơ yếu đang phục vụ trong quân đội, công an và cơ yếu.
Về mức đóng, hộ gia đình chỉ được giảm trừ mức đóng BHYT khi các thành viên trong hộ gia đình cùng tham gia trong năm tài chính. Đối tượng đã được NSNN hỗ trợ mức đóng thì không áp dụng giảm trừ mức đóng.
Đối với đối tượng thuộc nhóm 6 – nhóm do người sử dụng lao động đóng, đồng thời thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT khác nhau thì đóng BHYT theo thứ tự như sau: do người lao động và người sử dụng lao động đóng; do cơ quan BHXH đóng, do NSNN đóng; do người sử dụng lao động đóng.
Với các đối tượng nhóm 4 (ngân sách hỗ trợ mức đóng) và nhóm 5 (hộ gia đình) tham gia BHYT vào các ngày trong tháng thì số tiền đóng BHYT được xác định kể từ ngày người tham gia BHYT đóng tiền.
Các trường hợp không phải đóng BHYT những vẫn được hưởng quyền lợi KCB BHYT bao gồm người lao động trong thời gian nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên trong tháng, trẻ em đủ 72 tháng tuổi nhưng sinh trước ngày 30/9 của năm trẻ đủ 72 tháng tuổi, trẻ em đủ 72 tháng tuổi sinh sau ngày 30/9 nhưng vào các ngày trong tháng thì thẻ được cấp đến hết tháng sinh.
Nguyễn Du
0 comments