Ngân hàng và Bảo hiểm nhân thọ đều là những ngành chủ đạo trong lĩnh vực tài chính, đều có chức năng huy động vốn của người dân và mang đi đầu tư. Trong khi ngân hàng có nhiều hình thức huy động vốn ngắn hạn, trung hạn, dài hạn thì Bảo hiểm nhân thọ chỉ huy động vốn bởi hình thức dài hạn. Tại Việt Nam, Ngân hàng đã hình thành từ rất lâu và đã khẳng định được vai trò thiết yếu của hình thức này đối với người dân cũng như với toàn bộ nền kinh tế. Bảo hiểm nhân thọ được bắt đầu hình thành vào năm 1996 là sự ra đời của công ty 100% vốn nhà nước Bảo việt Nhân thọ, tiếp theo đó là hàng loạt Tập đoàn nước ngoài với tiềm lực tài chính hùng hậu “nhảy” vào thị trường Việt Nam, hình thành nên các công ty bảo hiểm: Manulife, Prudential, Dai-ichi, Cathay… và phát triển mạnh mẽ cho đến nay.
Tuy đã phát triển được hơn 20 năm, nhưng ngành bảo hiểm nhân thọ đối với người dân Việt Nam vẫn còn khá mới mẻ, điều đó được thể hiện ở con số 8% người dân Việt Nam mới tham gia bảo hiểm. Người dân có rất nhiều những băn khoăn, họ cực kỳ tin tưởng ngân hàng nhưng lại lo sợ các công ty bảo hiểm phá sản.
Vì vậy, chúng tôi biên soạn bài viết này nhằm so sánh mức độ an toàn của công ty bảo hiểm so với ngành ngân hàng hiện nay?
Đối với hoạt động đầu tư tài chính
Hiện tại, Ngân hàng và Công ty bảo hiểm nhân thọ đều đang sử dụng nguồn vốn nhàn rỗi của người dân để mang đi đầu tư, kinh doanh sinh lời. Nếu như ngân hàng dùng tiền gửi của khách hàng để cho vay, đầu tư chứng khoán, kinh doanh ngoại tệ… tiềm ẩn rất nhiều rủi ro thì công ty bảo hiểm lại chỉ được đầu tư vào các danh mục chú trọng an toàn: trái phiếu chính phủ, tiền gửi ngân hàng uy tín, trái phiếu doanh nghiệp được chính phủ bảo lãnh,… Điều này là dễ hiểu vì mỗi tổ chức tài chính lại có một mục đích đầu tư khác nhau. Ngân hàng chú trọng nhiều đến lợi nhuận kinh doanh còn công ty bảo hiểm chú trọng đến tính ổn định dài hạn và an toàn.
Chưa kể đến việc riêng nghiệp vụ tín dụng của các Ngân hàng thương mại rất phức tạp. Việc phê duyệt cho vay phụ thuộc nhiều vào mức độ chịu rủi ro của ngân hàng vì thế mà vẫn xảy ra các tình trạng cho vay sai mục đích, sai đối tượng gây thất thoát tiền của, ảnh hưởng đến chính ngân hàng và quyền lợi của người dân.
Rõ ràng trong vấn đề hoạt động, Ngân hàng tiềm ẩn rủi ro hơn các công ty bảo hiểm rất nhiều.
Vai trò của quản lý, giám sát của Nhà nước và pháp luật
Lĩnh vực Tài chính – Ngân hàng là lĩnh vực trọng yếu của mỗi quốc gia. Chủ trương của nước ta là đảm bảo sự ổn định của ngành tài chính, tạo động lực cho sự phát triển của cả nền kinh tế. Vì vậy, luôn luôn có những biện pháp kịp thời điều hành, giám sát hoạt động, khắc phục hậu quả nhằm hạn chế tối thiểu tổn thất xảy ra.
Để hoạt động một cách an toàn và ổn định, các tổ chức tài chính phải thực hiện đầy đủ các biện pháp vận hành, quản lý, trích lập dự phòng, đầu tư an toàn hiệu quả, chi trả quyền lợi cho khách hàng….
Một số biện pháp an toàn được áp dụng:
Quỹ dự phòng: Ngân hàng và Bảo hiểm đều phải trích lập các loại quỹ dự phòng rủi ro. Mục đích của các loại quỹ nhằm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và đảm bảo an toàn cho các tổ chức tài chính.
Trường hợp mất khả năng thanh toán: Ngân hàng nhà nước và Bộ tài chính có vai trò can thiệp kịp thời: mua bán, sáp nhập, chuyển giao quyền lợi của khách hàng sang tổ chức tài chính khác.
Trường hợp phá sản: Phá sản chỉ xảy ra khi nhà nước đã thực hiện tất cả các biện pháp khắc phục nhưng vẫn không phục hồi được hoạt động của Tổ chức tài chính. Người gửi tiền được trả tối đa 75 triệu bảo hiểm tiền gửi nếu ngân hàng phá sản; còn đối với công ty bảo hiểm phá sản là: 90% mức trách nhiệm của doanh nghiệp BH nhân thọ, nhưng không quá 200 triệu đồng/người được bảo hiểm/hợp đồng.
Như vậy có thể thấy, nếu so sánh mức phí tham gia bảo hiểm thấp hơn rất nhiều lần với gửi tiền ngân hàng thì để tiền ở công ty bảo hiểm an toàn hơn.
Thực trạng thế giới hiện nay
Trên thế giới, ngành bảo hiểm đã có 400 năm tuổi hoạt động, nhưng khả năng doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán rất nhỏ, (nếu có) doanh nghiệp sẽ được tiếp quản lại để bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Trong khi đối với lĩnh vực ngân hàng, cứ trải qua một giai đoạn khủng hoảng kinh tế thì lại có những vụ phá sản đình đám điển hình như: Bank of England (1992), Barings Bank (1995), Argentinian Banks (2001), Lehman Brothers (2008)…
Tại Việt Nam, ngành bảo hiểm đã có hơn 20 năm phát triển và ngày càng lớn mạnh không ngừng. Trong khoảng thời gian đó, ngành ngân hàng cũng hứng chịu không ít tổn thất: Vụ án EPCO – Minh Phụng, Vụ án Ngân hàng Việt Hoa, Vụ án Huyền Như, Vụ Bầu Kiên và các cựu lãnh đạo ACB, Vụ Hà Văn Thắm… Điều đó một lần nữa minh chứng rằng: ngành bảo hiểm với nguyên tắc đầu tư an toàn và hiệu quả đang phát triển và trường tồn theo thời gian. Để tiền ở Bảo hiểm nhân thọ thực sự an toàn hơn ở Ngân hàng.
Tóm gọn nội dung chúng tôi muốn gửi đến bạn đọc:
Bảo hiểm nhân thọ đầu tư với mục đích an toàn; Ngân hàng cho vay, đầu tư với mục đích sinh lời. Hoạt động đầu tư của Ngân hàng rủi ro hơn.
Trường hợp xấu nhất là phá sản, Pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền lợi của người tham gia bảo hiểm tốt hơn quyền lợi của người gửi Ngân hàng.
Trên thực tế, phá sản thường chỉ xảy ra đối với Ngân hàng; hiếm thấy trường hợp đối với doanh nghiệp bảo hiểm, (nếu có) doanh nghiệp sẽ tiếp quản lại nhằm bảo vệ lợi ích của khách hàng.
Bài viết trên không vì mục đích chỉ trích hay phê phán bất kỳ tổ chức tài chính nào mà chỉ mong muốn mang đến cho bạn đọc một cách nhìn khách quan về mức độ an toàn của các tổ chức tài chính. Tùy theo nhu cầu về Bảo vệ hay tích lũy tiền bạc mà bạn đọc có thể lựa chọn tham gia các hình thức khác nhau.
Đức Hiền – Wikitaichinh.com
Hãy để lại ý kiến của bạn để chúng tôi hoàn thiện bài viết tốt hơn.
0 comments