Monday, October 20, 2014

BẢO HIỂM NHÂN THỌ - TIỀM NĂNG LỚN


>> Các bạn đại lý bảo hiểm thân mến

Nhiều định chế tài chính, nhiều tổ chức đã hoạt động tại Việt Nam nhìn thấy tiềm năng trong ngành bảo hiểm nhân thọ, sẵn sàng hợp tác với các doanh nghiệp trong ngành về chăm sóc khách hàng, khai thác hợp đồng mới...

Bảo hiểm nhân thọ (BHNT) chính thức được triển khai tại Việt Nam từ năm 1996, qua 18 năm hoạt động, tổng thu phí bảo hiểm toàn ngành chỉ đạt khoảng trên dưới 1% GDP, con số còn rất thấp so với nhiều nước khác trong khu vực. Hiện có 17 công ty BHNT hoạt động tại Việt Nam, tiềm năng thị trường được đánh giá là rất lớn.

BẢO HIỂM NHÂN THỌ - TIỀM NĂNG LỚN


Tăng trưởng cao nhưng...
Chỉ trong năm 2013, thị trường BHNT đã đạt mức tăng trưởng trên 23% với tổng doanh thu gần 20.000 tỉ đồng. Riêng Prudential Việt Nam, sau 15 năm hoạt động, công ty này đang thực hiện 4,7 triệu hợp đồng BHNT. Dù vậy, người dân vẫn còn băn khoăn và chưa nhìn nhận đúng giá trị của BHNT.
Có nhiều nguyên nhân khiến người dân chưa tham gia BHNT, trong đó phải kể đến tâm lý người Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung, khi nghĩ rằng mua bảo hiểm là mua điều xui xẻo; thời gian tham gia bảo hiểm dài quá, lãi suất chưa thực sự hấp dẫn. Ngoài ra, có nhiều thông tin cho rằng bảo hiểm tham gia thì dễ, lúc lãnh tiền thì khó... Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng hợp đồng bảo hiểm nhiêu khê và trong hợp đồng còn có những điều khoản gây bất lợi cho người tiêu dùng. Bên cạnh đó, việc bỏ bê, thiếu quan tâm chăm sóc khách hàng sau khi ký hợp đồng cũng là lý do khiến người dân chưa mặn mà với BHNT. “Tôi mua 1 bảo hiểm bệnh viện ở nước ngoài với mức phí 20 triệu đồng/năm, khi đi khám bệnh, tôi được chăm sóc theo dõi bệnh và được giải thích là bệnh của tôi sẽ được bảo hiểm chăm sóc trong hạn mức tôi đã mua; nếu là bệnh ngoài hạn mức thì tôi phải bỏ tiền chữa trị. Còn tại Việt Nam, hễ ký hợp đồng xong nghĩa là xong, không được chăm sóc ngó ngàng gì tới” - ông Hậu dẫn chứng.
Theo TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế - tài chính, thị trường BHNT đang phát triển chiều rộng chứ chưa phát triển chiều sâu, đa số khách hàng chưa thấu hiểu lợi ích thiết thực từ việc tham gia BHNT. Cạnh tranh trên thị trường BHNT rất gay gắt nhưng chủ yếu các doanh nghiệp (DN) chạy đua quảng bá thương hiệu, đội ngũ tư vấn bán hàng chứ chưa có những đột phá về thông tin sản phẩm. Hiện dân trí người Việt chưa cao, nhiều người bị ngộp trước mê hồn trận câu chữ, chi tiết và những thuật ngữ chuyên ngành trong hợp đồng BHNT. Song song đó, nhân viên tư vấn cũng là đại lý bán hàng, giải thích không thấu đáo, cốt để bán hàng; người mua không có thói quen đọc hợp đồng trước khi ký nên dẫn đến hậu quả là khi có sự cố xảy ra, khách hàng không được giải quyết bảo hiểm và hụt hẫng. Vậy nên, các công ty bảo hiểm cần soạn lại hợp đồng theo hướng đơn giản hơn.
Hoàn thiện khung pháp lý
BHNT ở Việt Nam đang bắt đầu bước vào giai đoạn mới và người dân đã có cái nhìn bình tĩnh, rõ ràng hơn về loại hình này. Trả lời câu hỏi “Cần làm gì để người dân đến với BHNT nhiều hơn?”, ông Nguyễn Tiến Hùng, Trưởng Bộ môn Bảo hiểm Trường ĐH Kinh tế TP HCM, cho rằng điều quan trọng đầu tiên là người dân phải nắm những kiến thức cơ bản về bảo hiểm và có hiểu biết về pháp luật liên quan đến hợp đồng BHNT. Về phía mình, các DN BHNT là người soạn thảo hợp đồng, khi giới thiệu, chào bán thì đại lý - người đại diện của DN BHNT - phải giải thích rõ ràng, trung thực và đầy đủ cho khách hàng. Người dân khi mua bảo hiểm cũng cần phải đọc kỹ, tìm hiểu kỹ hợp đồng, nếu còn điều gì chưa rõ thì phải yêu cầu DN BHNT giải thích trước khi đặt bút ký, có như vậy mới có thể bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Khung pháp lý ở Việt Nam về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nay đã tương đối đầy đủ và dần hoàn thiện, trên cơ sở bảo vệ quyền lợi khách hàng và tạo thuận lợi cho DN BHNT hoạt động. Đang có nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm vào luật hình sự tội danh liên quan đến hành vi trục lợi bảo hiểm. Điều đó sẽ giúp kích thích hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển tốt hơn, chúng ta sẽ nhận diện những đối tượng có hành vi vi phạm pháp luật để tách ra khỏi những khách hàng bình thường, đẩy mạnh dịch vụ cho những khách hàng thật sự. Có như vậy mới tạo thêm sự tin tưởng nơi người dân để từ đó, số người tham gia bảo hiểm ngày càng nhiều, đưa thị trường BHNT tăng trưởng tích cực, lành mạnh.
Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, nhà nước phải có cơ chế quản lý tạo thuận lợi cho DN BHNT phát triển. Thứ nhất, phải bảo vệ người được bảo hiểm để họ có niềm tin vào DN bảo hiểm. DN BHNT phải tăng cường kiểm soát chặt chẽ sản phẩm BHNT, tạo niềm tin cho khách hàng rằng những hợp đồng này đã được kiểm soát chặt chẽ, DN không thể lừa khách hàng được. Thứ hai, Bộ Tài chính đã hình thành xong quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, giao cho Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam quản lý, sẵn sàng chi trả quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm nếu một DN bảo hiểm nào gặp nguy cơ mất khả năng thanh toán nhằm tạo niềm tin cho người tham gia bảo hiểm. Thứ ba, tạo môi trường thuận lợi cho DN bảo hiểm kinh doanh, làm sao không còn việc cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường. 
Lo ngại trục lợi bảo hiểm
Thực tế hiện nay, trong rất nhiều trường hợp, DN BHNT và khách hàng không tìm được tiếng nói chung. Khách hàng lo ngại không được chi trả theo hợp đồng khi có sự cố trong khi DN lo đối phó với việc trục lợi bảo hiểm. Ông Nguyễn Khắc Thành Đạt cho biết cuối năm 1999 đến hết năm 2013, Prudential đã chi trả trên 1,7 triệu trường hợp với số tiền trên 15.700 tỉ đồng, trong đó tỉ lệ chi trả cho các trường hợp rủi ro rất lớn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp các DN bảo hiểm không thể chi trả được. “Trong các hội nghị khách hàng, tôi và các đồng nghiệp đều nhắn nhủ với khách hàng rằng khi tham gia bảo hiểm, có 2 vấn đề cần lưu ý: Một là, kê khai chính xác tình trạng sức khỏe của mình; hai là, sau khi hợp đồng phát hành rồi thì định kỳ tham gia phí bảo hiểm đều đặn, đúng hạn. Nếu 2 điều đó được thực hiện thì khách hàng có thể yên tâm vì nhu cầu tài chính của mình khi có rủi ro xảy ra hay khi đáo hạn đều được giải quyết thỏa đáng. Trên thực tế thì có một số tranh chấp ra tòa án, chúng tôi cũng đưa ra những bằng chứng rất rõ cho cơ quan tố tụng là có sự kê khai không chính xác từ trước dẫn đến công ty bảo hiểm không thể chi trả được” - ông Đạt nói.
Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, hậu quả của việc trục lợi bảo hiểm là nhiều loại bảo hiểm mang lại lợi ích cho người dân nhưng DN chỉ triển khai được 1-2 năm rồi dẹp bỏ vì bị trục lợi, chi trả quá nhiều.

Dư địa lớn ở nông thôn
Nhu cầu bảo hiểm của người dân Việt Nam rất lớn nhưng hiện nhiều người dân chưa có nguồn tài chính để tham gia. Chỉ khoảng 30% dân cư đang sống ở thành thị là khách hàng chính của các công ty BHNT. Người có thu nhập thấp, người dân nông thôn vẫn có nhu cầu mua bảo hiểm với mức phí khoảng 20.000-30.000 đồng/tháng hoặc vài trăm ngàn đồng/năm nhưng các DN lại ngại đi vào sản phẩm bảo hiểm đó. Dư địa về thị phần nông thôn, miền núi, hải đảo và đặc biệt là sản phẩm bảo hiểm vi mô chúng ta chưa triển khai được. Gần đây, Chính phủ đang triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo đảm cho người dân có thể tham gia được. Vấn đề là DN nào dám vào cuộc, dám triển khai để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Ông PHÙNG ĐẮC LỘC (Tổng Thư ký Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam)

Thêm mạng lưới, tăng quảng bá
Ở góc độ DN, tôi cho rằng việc đầu tiên và quan trọng nhất cần làm là mở rộng mạng lưới phục vụ khách hàng. Prudential hiện có 230 điểm ở 63 tỉnh - thành, có chỗ để khách hàng truy vấn thông tin, thu phí, kể cả một số dịch vụ khách hàng khác. Bên cạnh đó cũng mở rộng nhiều mạng lưới, kết hợp nhiều đối tác như ngân hàng, bưu điện để tăng cường dịch vụ phục vụ khách hàng nhiều địa phương, kể cả vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, chúng tôi cũng đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá cho BHNT thông qua rất nhiều sự kiện hội nghị khách hàng, giới thiệu về bảo hiểm...
Ông NGUYỄN KHẮC THÀNH ĐẠT(Phó Tổng Giám đốc điều hành
Công ty BHNT Prudential Việt Nam)





Thanh Nhân
Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 comments

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Giải đáp, tư vấn Bảo hiểm nhân thọ,bảo hiểm phi nhân thọ.
Designed by Blog Thiet Ke
Posts RSSComments RSS
Back to top