(ĐTCK) Sau hơn 1 tháng kể từ khi ra mắt Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm, tình hình nộp quỹ đến đâu? Chế tài nào nếu doanh nghiệp chây ỳ đóng phí?
Khối bảo hiểm nhân thọ với chủ yếu là các doanh nghiệp nước ngoài đã nộp quỹ từ trước khi ra mắt Quỹ Bảo vệ người được bảo hiểm |
Nộp phí đến đâu?
Tại thời điểm ra mắt Quỹ cách đây hơn một tháng (9/9), việc nộp quỹ lần đầu được ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ hân hoan thông báo thu về gần 30 tỷ đồng, tương đương khoảng 80% tổng quỹ cần nộp, chỉ sau 12 ngày kể từ khi thông báo thu phí.
Còn tính đến thời điểm này, theo ghi
nhận của ĐTCK, tổng số tiền phí thu được của cả 2 khối (phi nhân thọ và
nhân thọ) đạt khoảng 90% tổng quỹ cần nộp.
Riêng với khối bảo hiểm nhân thọ, tất cả
doanh nghiệp đều đã nộp đủ số tiền cần nộp ngay trước khi ra mắt quỹ.
Điều này có lẽ là do khối này chủ yếu bao gồm các doanh nghiệp nước
ngoài (ngoại trừ Bảo Việt Nhân thọ).
Trong khi đó, với khối bảo hiểm phi nhân
thọ, theo ghi nhận của ĐTCK, tính đến thời điểm này mới chỉ một nửa số
doanh nghiệp nộp quỹ.
Lý giải việc chậm nộp, một doanh nghiệp
bảo hiểm phi nhân thọ cho biết, ngoài Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, họ
còn phải đóng thêm số quỹ khác như quỹ bảo hiểm xe cơ giới, phòng cháy
chữa cháy... Trong khi đó, riêng doanh nghiệp này thời gian qua phải
gánh những thiệt hại từ vụ các vụ gây rối ở Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng
Nai hồi tháng 5.
Một lãnh đạo doanh nghiệp bảo hiểm khác
cho rằng, sau hôm ra mắt Quỹ, có những cách hiểu khác nhau về phương
pháp trích nộp phí. Theo Thông tư 101 thì mức trích nộp được tính trên
tổng doanh thu phí bảo hiểm giữ lại thuộc các hợp đồng bảo hiểm gốc
trong năm tài chính liền kề. Do đó, việc nộp phải chờ thêm một khoảng
thời gian kể từ khi doanh nghiệp phản ánh lên Hiệp hội Bảo hiểm (AVI),
rồi AVI báo cáo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm để ra văn bản hướng dẫn
cụ thể.
Chế tài nào nếu doanh nghiệp chây ì nộp phí?
Xét về lâu dài, việc nộp đúng/đủ quỹ là
quan trọng, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người mua bảo
hiểm trong trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm mất khả năng thanh toán hay
phá sản.
Trên thực tế, việc chây ỳ nộp phí không
phải là chuyện hiếm. AVI cùng với Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm từng
không ít lần ra công văn nhắc nhở các doanh nghiệp bảo hiểm chậm nộp các
khoản phí khác như phí bảo hiểm, phí hội viên, cùng các loại phí đóng
vào các quỹ khác như quỹ bảo hiểm xe cơ giới...
Trao đổi với ĐTCK, đại diện Bộ Tài chính
cho biết, Thông tư 101 chỉ hướng dẫn các quy định liên quan đến hoạt
động chung của Quỹ (như nguyên tắc quản lý quỹ, mức trích nộp... ) mà
không đề cập đến chế tài xử phạt. Tuy nhiên, chỉ 1 tháng sau khi thông
tư này có hiệu lực, Nghị định 98/2013/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong
lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm đã bổ sung chế tài liên quan đến Quỹ Bảo vệ
người được bảo hiểm, khi ấn định rõ 3 mức phạt: (1) cảnh cáo đối với
hành vi trích nộp Quỹ không đúng thời hạn theo quy định; (2) phạt tiền
từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi không trích nộp đủ Quỹ theo quy
định của pháp luật; (3) phạt tiền từ 60 -70 triệu đồng đối với hành vi
không trích nộp Quỹ theo quy định.
Cũng theo Nghị định này, thẩm quyền xử
phạt trong lĩnh vực bảo hiểm như sau: người được giao nhiệm vụ thanh tra
chuyên ngành thuộc Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm; Trưởng đoàn thanh
tra thuộc cơ quan này và Cục trưởng Cục quản lý và giám sát bảo hiểm.
Mặc dù vậy, để thuận tiện trong việc áp
dụng chế tài, cũng có ý kiến cho rằng, nên xây dựng lộ trình cụ thể đối
với từng mức phạt. Chẳng hạn đối với mức (2) và (3), không nên nói chung
chung là “theo quy định của pháp luật” mà cần nêu rõ hành vi không
trích nộp đó quá thời hạn thông báo nộp bao nhiêu ngày...
Theo Thông tư 101, trước
ngày 30/6 hàng năm, doanh nghiệp bảo hiểm nộp 50% số tiền phải nộp quỹ
của năm tài chính trước liền kề. Trước ngày 31/12 hàng năm, nộp nốt 50%
số tiền phải nộp quỹ còn lại của năm tài chính trước liền kề.
|
>> Các bạn đại lý bảo hiểm thân mến
0 comments