Theo Hanwha Life, tổng doanh thu phí bảo hiểm năm 2015 tăng trưởng mạnh, đạt 710,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu khai thác mới tăng 37%.
Tuy nhiên, tổng chi phí lên tới 1.535 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2014, nên lợi nhuận sau thuế âm hơn 526 tỷ đồng, tăng thêm 360 tỷ đồng so với khoản lỗ hơn 166,9 tỷ đồng trong năm 2014.
Mặc dù vậy, với việc tăng dự phòng hơn 100% với hơn 500 tỷ đồng (đưa tổng dự phòng nghiệp vụ năm 2015 lên con số 1.375 tỷ đồng), ngoài góp phần củng cố tình hình tài chính, Công ty cũng đảm bảo mọi quyền lợi cho chủ hợp đồng.
Kết thúc năm 2015, Công ty có vốn chủ sở hữu 730 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 2.275 tỷ đồng, vốn điều lệ gần 1.900 tỷ đồng (thuộc nhóm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có quy mô vốn lớn nhất thị trường tại Việt Nam).
Tính đến hết 31/12/2015, Hanwha Life Việt Nam có 55 điểm phục vụ khách hàng trong cả nước, bao gồm 3 chi nhánh, 16 văn phòng kinh doanh và 35 văn phòng tổng đại lý, bảo vệ gần 90.000 khách hàng sau hơn 7 năm hoạt động (từ năm 2009). Tổng số nhân viên trong Công ty là 238 người, tổng số đại lý bảo hiểm là 24.000 người.
Báo cáo tài chính sau kiểm toán Công ty TNHH Bảo hiểm Great Eastern Việt Nam (GVN) cho biết năm 2015, Công ty đạt tổng doanh thu 83,6 tỷ đồng, trong đó doanh thu từ bảo hiểm đạt 23,6 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động tài chính 51,7 tỷ đồng, phần còn lại 127,3 triệu là thu nhập từ hoạt động khác.
Với tổng chi phí hơn 145,2 tỷ đồng trong năm 2015, GVN tiếp tục lỗ 61,5 tỷ đồng sau gần 9 năm hiện diện tại thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam. Số lỗ này đã giảm gần 21 tỷ đồng so với năm 2014.
Đánh giá về hoạt động của GVN, báo cáo của Ban điều hành cũng cho biết năm 2015, GVN vẫn tăng trưởng ổn định và đạt được những kết quả khởi sắc, thực hiện chiến lược định vị thương hiệu “Vì cuộc sống”, hướng đến mục tiêu xây dựng một Việt Nam khỏe mạnh và phồn thịnh hơn.
Đồng thời, GVN chú trọng xây dựng đại lý bảo hiểm bảo hiểm, phát triển các giải pháp bảo hiểm tối ưu và tích cực tham gia các hoạt động phát triển cộng đồng, năm 2015, GVN đã triển khai dịch vụ thanh toán phí bảo hiểm qua thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ, dịch vụ thu phí bảo hiểm tại nhà bằng thẻ cùng các chương trình tri ân khách hàng.
Báo cáo tài chính sau kiểm toán của Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam (Cathay Việt Nam) cho biết, năm 2015, Công ty đạt doanh thu thuần hoạt động kinh doanh bảo hiểm 55,4 tỷ đồng; doanh thu hoạt động tài chính 32,6 tỷ đồng; lỗ sau thuế hơn 1,7 tỷ đồng.
Dù tiếp tục lỗ nhưng số lỗ này đã giảm đáng kể so với số lỗ hơn 60,4 tỷ đồng trong năm 2014. Mặc dù vậy, ban lãnh đạo Cathay Việt Nam cũng khẳng định, với nguồn vốn vừa được tăng thêm, Công ty vẫn đảm bảo tốt an toàn tài chính theo cam kết của khách hàng.Thành lập năm 2010, Cathay Việt Nam trực thuộc Tập đoàn tài chính Cathay Đài Loan, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, ngân hàng. Hiện Cathay Việt Nam có 151 nhân viên, 2.343 đại lý, trụ sở chính tại TP. HCM và các điểm phục vụ trải dài trên cả nước
.
Thị trường bảo hiểm qua bốn tháng đầu năm duy trì sự tăng trưởng tích cực; doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường ước tính tăng 20% so với cuối năm 2015, theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI).
Đây là tỷ lệ tăng trưởng cao nhất trong vài năm gần đây, báo hiệu sự lạc quan của ngành này trong năm nay. Trước đó, trong cả năm 2015, theo Hiệp hội bảo hiểm Việt Nam (AVI), tổng phí bảo hiểm thu được ước tính tăng 22%, tương đương hơn 68.000 tỉ đồng, trong đó, riêng bảo hiểm nhân thọ tăng 29%.
Ngày càng nhiều người, đặc biệt là người có thu nhập trung bình, đã nhận ra tầm quan trọng của bảo hiểm trong những năm gần đây, theo nhận định của Bộ Tài chính khi lý giải nguyên nhân của sự gia tăng trên thị trường.
Thời gian qua còn có một diễn biến đáng chú ý là các cổ phiếu niêm yết của công ty trong ngành bảo hiểm như BVH, PVI, BMI, PGI, PTI và BIC đã có sự tăng trưởng lạc quan về giá sau nhiều năm không gây sự chú ý đáng kể.
Trong năm 2015 thị trường cũng chứng kiến làn sóng của các công ty bảo hiểm nội địa trong top 10 bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài. Ví dụ như Công ty cổ phần Bảo hiểm BIDV (HOSE: BIC), Công ty cổ phần Bảo hiểm Viễn thông (HOSE: PTI), PVI Holdings đã bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài. Ngoài ra, Tập đoàn Bảo Việt (HOSE: BVH) và Công ty cổ phần Bảo hiểm Petrolimex (HSX: PGI) cũng bày tỏ ý định hợp tác với các nhà đầu tư ngoại.
Các chuyên gia trong ngành dự đoán thị trường bảo hiểm tiếp tục được đánh giá lạc quan trong năm nay khi mà GDP dự kiến tăng trưởng khá, dòng vốn FDI và hoạt động xuất nhập khẩu nhộn nhịp, các kế hoạch đầu tư các dự án hạ tầng và các hiệp định thương mại song phương và đa phương FTA sắp tới sẽ kích hoạt nhu cầu lớn về bảo hiểm tài sản và bảo hiểm kỹ thuật, hàng hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ đang xem xét yêu cầu thêm một số sản phẩm bảo hiểm bắt buộc.
Tuy nhiên còn những vấn đề giới kinh doanh quan ngại có thể ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm Việt Nam, đó là sự cạnh tranh khốc liệt và tỷ lệ gian lận bảo hiểm còn cao.
Tại Việt Nam hiện nay có 61 doanh nghiệp bảo hiểm, trong đó lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ có 29 doanh nghiệp và một chi nhánh nước ngoài, lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ có 17 doanh nghiệp, và có 12 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực môi giới bảo hiểm.
0 comments