Quyết định 35/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ ngày 20/8/2015, có hiệu lực từ ngày 15/10/2015, yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải hoàn thành thủ tục đăng ký hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mẫu với Bộ Công thương trước khi cung cấp dịch vụ bảo hiểm cho khách hàng. Yêu cầu này tưởng chừng không khó thực hiện, nhưng Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã phải “cầu cứu” nhiều nơi và không ít lần kiến nghị dừng thực hiện Quyết định 35.
Bộ Công thương giải đáp băn khoăn
Cuối năm 2015, tại buổi làm việc giữa Bộ Công thương và Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính và Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh, các băn khoăn của doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã được Bộ Công thương giải đáp.
Về vấn đề chồng chéo thủ tục, đại diện Bộ Công thương cho biết, Bộ không quan tâm tới quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được Bộ Tài chính phê duyệt, mà quan tâm tới khía cạnh của khách hàng. Về chi phí của doanh nghiệp khi thực hiện Quyết định 35/2015/QĐ-TTg, chi phí sẽ tăng do phải in ấn lại hợp đồng, tài liệu, nhưng dự kiến không nhiều.
Giải đáp về thời gian thực hiện, Bộ Công thương cho rằng, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Cục Quản lý cạnh tranh và các doanh nghiệp bảo hiểm cùng thực hiện sẽ nhanh hơn, trái ngược với quan điểm của các doanh nghiệp bảo hiểm là mất nhiều thời gian, thêm thủ tục. Theo Bộ Công thương, 350 sản phẩm thuộc 9 loại nghiệp vụ bảo hiểm nên các phần nội dung yêu cầu sửa đổi sẽ giống nhau giữa các sản phẩm, việc khắc phục sẽ nhanh.
Về việc điều chỉnh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ, việc này sẽ được khắc phục nhanh do Bộ Tài chính phê chuẩn sản phẩm chuyển sang Bộ Công thương đăng ký thì doanh nghiệp bảo hiểm đã được chấn chỉnh những thiếu sót trong các lần đăng ký trước và khắc phục trong sản phẩm mới.
Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh nhấn mạnh, Bộ sẽ nghiên cứu đưa ra cách làm theo Luật Bảo vệ người tiêu dùng, giảm thiểu chi phí, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bảo hiểm.
Việc đăng ký sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đã khởi động và xuất hiện các ý kiến quan ngại, nhưng theo nhận định của Bộ Công thương, quy mô vấn đề không lớn. Cục Quản lý cạnh tranh sẽ phối hợp với Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thống nhất về những thuật ngữ chuyên ngành và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc.
Hiệp hội Bảo hiểm “cầu cứu”
Mặc dù vậy, đầu năm 2016, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam cùng toàn bộ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và các bộ Tài chính, Công thương, Kế hoạch và Đầu tư, cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có các giải pháp hỗ trợ thị trường bảo hiểm nhân thọ vì thủ tục hành chính gia tăng khi áp dụng Quyết định 35/2015/QĐ-TTg. Trước đó, ngày 3/11/2015, Hiệp hội Bảo hiểm đã gửi Công văn số 202/HHBH/2015 tới Thủ tướng Chính phủ, kiến nghị dừng thực hiện Quyết định 35/2015/QĐ-TTg .
Mặc dù nỗ lực tìm kiếm nhiều kênh hỗ trợ khác nhau, cả trực tiếp lẫn gián tiếp thông qua các buổi họp bàn, kiến nghị, đề xuất, tranh thủ sự ủng hộ của các bộ, ngành liên quan, nhưng những khó khăn, vướng mắc khi thực hiện Quyết định 35/2015/QĐ-TTg vẫn hiện hữu. Vì thế, ngày 13/1/2016, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã cùng ký vào Công văn số 006/HHBH/2016 của Hiệp hội Bảo hiểm, gửi tới Thủ tướng Chính phủ.
Công văn số 006/HHBH/2016 của Hiệp hội Bảo hiểm nêu rõ những ảnh hưởng tới hoạt động bình thường của thị trường bảo hiểm nhân thọ khi không thể đáp ứng ngay các yêu cầu theo Quyết định 35/2015/QĐ-TTg và kiến nghị Thủ tướng xem xét tạm thời cho phép các doanh nghiệp thực hiện việc duy trì hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ sau ngày 15/1/2016.
Ngoài ra, để không gây ảnh hưởng tới khách hàng, tới công ăn việc làm của hàng trăm ngàn đại lý và nhân viên, tới hoạt động liên tục của thị trường bảo hiểm nhân thọ, Hiệp hội Bảo hiểm kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tiếp tục bán các sản phẩm bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn cho đến khi việc đăng ký các hợp đồng này với Bộ Công thương và đăng ký lại với Bộ Tài chính hoàn thành.
Hoạt động “cầu cứu” của Hiệp hội Bảo hiểm không dừng lại ở đó. Ngày 3/2/2016, trước thềm diễn ra diễn đàn của Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN (USABC) từ ngày 15-17/2/2016 tại Califonia, Hoa Kỳ, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao, trong đó có Việt Nam, cùng đại diện các doanh nghiệp, trong đó có ông Dustin Ball - Tổng giám đốc BIDV- Metlife, Hiệp hội đã gửi thư cho ông Dustin Ball.
Theo nghị trình của diễn đàn, các doanh nghiệp trong cộng đồng kinh doanh Hoa Kỳ - ASEAN có cơ hội bày tỏ ý kiến về những vướng mắc trong cơ chế, môi trường kinh doanh tại các nước. Chính vì vậy, thông qua thư trên, Hiệp hội muốn ông Dustin Ball phản ánh những khó khăn, vướng mắc của ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam với Thủ tướng Chính phủ tại diễn đàn USABC.
Sau đó, ngày 15/2/2016, Hiệp hội Bảo hiểm có Công văn số 039/HHBH/2016 gửi ông Frederick Burke - đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính, đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ Việt Nam.
Tại công văn này, Hiệp hội giãi bày thực tế gặp khó khăn của khối doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ khi thực hiện Quyết định 35/2015/QĐ-TTg, đặc biệt là khó khăn về tuân thủ thủ tục hành chính để đảm bảo tuân thủ Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (ngoài các quy định về hoạt động kinh doanh bảo hiểm).
“Với tư cách là đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, thành viên Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, Hiệp hội Bảo hiểm rất mong ông giúp đỡ ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam thông qua việc phản ánh những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính mà các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đang gặp phải trong việc thực hiện Quyết định 35/2015/QĐ-TTg với Hội đồng trên cơ sở nội dung kiến nghị của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã gửi”, công văn của Hiệp hội Bảo hiểm viết.
“Song bộ” hợp sức
Sau nhiều nỗ lực, Chính phủ đã quyết định, Bộ Tài chính và Bộ Công thương phối hợp tham gia vào việc đăng ký hợp đồng bảo hiểm theo mẫu.
Nghị định số 73/2016/NĐ-CP của Chính phủ, có hiệu lực từ ngày 1/7/2016 nêu rõ: “Bộ Tài chính là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm. Bộ Tài chính trao đổi, thống nhất với Bộ Công thương về sản phẩm bảo hiểm phải thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi có văn bản phê chuẩn sản phẩm, Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi văn bản phê chuẩn sản phẩm và sản phẩm bảo hiểm đến Bộ Công thương để thực hiện đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”.
Kết quả này phần nào cho thấy nỗ lực của cơ quan quản lý và các bên liên quan trong việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và nền kinh tế phát triển, trong đó có thị trường bảo hiểm nhân thọ.
0 comments