Trong mọi tranh chấp với công ty bảo hiểm, khách hàng thường... sai! Bởi đơn giản, công ty bảo hiểm chuyên nghiệp hơn khách hàng. Nhưng những vụ tranh chấp gần đây cho thấy, khách hàng còn rất nhiều điều chưa hiểu rõ đã mua bảo hiểm và ngược lại, các công ty bảo hiểm chưa tư vấn kỹ đã vội thu phí của khách hàng.
Đã đến lúc các khách hàng bảo hiểm cần phải nhận thức rõ hơn rằng, hợp đồng bảo hiểm là một giao dịch pháp lý, đồng thời là tài sản của chính khách hàng, vì thế ngoài quyền lợi nhận được khi tham gia ký kết hợp đồng bảo hiểm, khách hàng cũng phải có nghĩa vụ tương đương với các công ty bảo hiểm.
Trong khi đó, đối với các công ty bảo hiểm, việc đào tạo và yêu cầu tư vấn/đại lý bảo hiểm phải tư vấn đầy đủ quyền lợi, nghĩa vụ, cũng như các yếu tố loại trừ bảo hiểm cho khách hàng nắm rõ trước khi ký hợp đồng bảo hiểm cần trở thành yêu cầu bắt buộc.
Việc kiểm tra chéo từ công ty bảo hiểm trước khi chính thức ký hợp đồng cho khách hàng ngoài việc thẩm định lại thông tin, cần kiểm tra khách hàng đã đọc và hiểu quyền lợi, nghĩa vụ của mình trong hợp đồng hay chưa. Nếu chưa hiểu thì khoan hãy “yêu” để sau đó khỏi phải thất vọng và “buông lời cay đắng”.
Đóng rất nhiều sao nhận chẳng bao nhiêu?
Đôi khi, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, khách hàng yêu cầu hủy hợp đồng bảo hiểm rồi bỗng thấy “bàng hoàng” khi giá trị hợp đồng mình nhận lại chẳng còn được bao nhiêu.
Theo quy định của tất cả các công ty bảo hiểm, nếu khách hàng hủy hợp đồng trong những năm đầu thì giá trị hoàn lại của hợp đồng sẽ không còn nhiều. Điều này được thể hiện rõ ràng trong phần minh họa của các hợp đồng bảo hiểm.
“Vẫn còn rất nhiều khách hàng tham gia mua bảo hiểm không hiểu rằng, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để nhận được các quyền lợi bảo hiểm là phải kê khai chính xác và đầy đủ về tình trạng sức khỏe khi tham gia bảo hiểm và đóng phí đầy đủ”, một chuyên gia trong ngành thừa nhận. Chính vì thế, những khiếu nại về vấn đề này giữa khách hàng với các công ty bảo hiểm thời gian qua không phải là hiếm.
Trong khi đó, điều 35 khoản 2 Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định: trong trường hợp đóng phí bảo hiểm làm nhiều lần và bên mua bảo hiểm đã đóng một hoặc một số lần phí bảo hiểm nhưng không thể đóng được các khoản phí bảo hiểm tiếp theo thì sau thời hạn 60 ngày kể từ ngày gia hạn đóng phí, doanh nghiệp bảo hiểm có quyền đơn phương đình chỉ thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Vẫn còn rất nhiều khách hàng tham gia mua bảo hiểm không hiểu rằng, trách nhiệm và nghĩa vụ của mình để nhận được các quyền lợi bảo hiểm là phải kê khai chính xác và đầy đủ về tình trạng sức khỏe khi tham gia bảo hiểm và đóng phí đầy đủ
Theo quy định trong 60 ngày gia hạn, nếu khách hàng có xảy ra rủi ro thì công ty bảo hiểm vẫn đền bù theo cam kết trong hợp đồng. Ngay cả khi hết thời hạn gia hạn, khách hàng vẫn có thời hạn 2 năm để khôi phục hiệu lực hợp đồng (đóng bù phí thời gian không đóng).
Sau khi hết 2 năm này, hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm đều không chấp nhận cho khách hàng thực hiện yêu cầu khôi phục hiệu lực hợp đồng.
Yêu cầu khám sức khỏe khi khôi phục hợp đồng cũng chính là vấn đề gây tranh cãi của nhiều khách hàng với các công ty bảo hiểm, bởi có trường hợp hợp đồng gốc không phải khám sức khỏe khi ký hợp đồng.
Đáng chú ý, quy định này không chỉ các công ty bảo hiểm Việt Nam phải áp dụng, mà các công ty bảo hiểm nhân thọ trên thế giới đã thực thi cả trăm năm nay, bởi sau một thời gian, sức khỏe khách hàng sẽ có những thay đổi nhất định, đồng nghĩa với việc rủi ro có thể tăng lên.
Ngoài ra, không ít trường hợp khách hàng yêu cầu khôi phục hợp đồng đã hết hiệu lực sau khi phát hiện mình mắc bệnh…
Hợp đồng bảo hiểm cũng là tài sản
Việc khách hàng chỉ được tư vấn về quyền lợi khi ký hợp đồng bảo hiểm mà không được tư vấn kỹ về trách nhiệm cũng như nghĩa vụ đối với công ty bảo hiểm, tất nhiên, có một phần lỗi của người đại lý/tư vấn bảo hiểm.
Vì áp lực doanh thu, hầu hết các đại lý/tư vấn viên đều muốn khách hàng ký hợp đồng và theo lẽ thông thường sẽ tư vấn nhiều hơn về quyền lợi khách hàng nhận được, thay vì cân bằng cả quyền lợi và nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm của khách hàng. Nhưng đại lý hay tư vấn bảo hiểm xét cho cùng cũng chỉ là cầu nối giữa khách hàng và công ty bảo hiểm.
Hợp đồng bảo hiểm là một hợp đồng có giá trị kinh tế, thậm chí còn là tài sản của chính khách hàng, vì vậy việc đọc và hiểu đồng tiền của mình có được tiêu dùng hợp lý cũng là trách nhiệm của người chủ hợp đồng.
Theo quy định của các công ty bảo hiểm, sau khi ký hợp đồng, khách hàng có 21 ngày để cân nhắc hủy hay không hủy. 21 ngày này là khoảng thời gian khách hàng có thể đọc và nghiên cứu kỹ các điều khoản hợp đồng và có thể từ chối tham gia bảo hiểm với công ty khi thấy sản phẩm và điều khoản chưa đúng như nhu cầu.
Ngay cả với việc đóng phí bảo hiểm, ngoài kênh đại lý/tư vấn viên, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp với công ty bảo hiểm để đóng phí qua rất nhiều kênh khác nhau như nộp tại văn phòng gần nhất, chuyển khoản qua internet banking hay đóng phí qua bưu cục, ngân hàng...
Tất cả những thông tin này đều được thể hiện rất rõ trong hợp đồng bảo hiểm. Đáng tiếc, không nhiều khách hàng đọc và tìm hiểm kỹ các điều khoản liên quan đến tài sản của mình mà vẫn hoàn toàn phó thác cho đại lý.
Chính vì thế, khiếu kiện vẫn xảy ra và giá trị nhân văn của ngành bảo hiểm, vốn đã được phát triển qua hàng trăm năm trên thế giới, không chỉ riêng thị trường bảo hiểm còn non trẻ tại Việt Nam, đôi khi vẫn bị hoài nghi.
Ngọc Lan
0 comments