KHÍA CẠNH PHÁP LÝ TRONG CÂU CHUYỆN: “QUÊN” ĐÓNG PHÍ BẢO HIỂM, LẠI MỘT CHUYỆN KHIẾU NẠI KHÔNG ĐÁNG CÓ?
Hôm qua đọc kỹ bài báo có tiêu đề “QUÊN” ĐÓNG PHÍ BẢO HIỂM, LẠI MỘT CHUYỆN KHIẾU NẠI KHÔNG ĐÁNG CÓ? trên Đầu tư Chứng Khoán [gọi tắt là bài "QUÊN"], tôi xin được phân tích pháp lý như dưới đây. Ở đây là phân tích pháp lý nên tôi phải hết sức khách quan và thận trọng dẫn chiếu các quy định pháp luật cho rõ ràng cụ thể, dù điều đó khiến cho bài viết hơi dài.
VẤN ĐỀ 1: PHÍ BẢO HIỂM LÀ GÌ? THỎA THUẬN VÀ NGHĨA VỤ CỦA BÊN MUA BẢO HIỂM THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ ĐÓNG PHÍ BẢO HIỂM.
Trường hợp được nêu trong bài QUÊN, Bên mua bảo hiểm [BMBH] cho rằng suốt 10 năm qua (kể từ thời điểm quên đóng phí bảo hiểm năm 2007), BMBH đều đóng phí bảo hiểm đúng hạn, nhưng phía DNBH không hề có thông báo nhắc nhở việc quên đóng phí bảo hiểm để BMBH nộp bù. BMBH cũng cho rằng cho rằng “lỗi” này thuộc về DNBH do KHÔNG LÀM HẾT TRÁCH NHIỆM LÀ NHẮC NHỚ, GỬI PHIẾU THU PHẢI NỘP CHO NGƯỜI THAM GIA BẢO HIỂM.
Chúng ta phải xem coi pháp luật quy định chuyện này như thế nào?
Khoản 11 Điều 3 Luật Kinh doanh bảo hiểm [KDBH], “Phí bảo hiểm là khoản tiền mà bên mua bảo hiểm phải đóng cho doanh nghiệp bảo hiểm theo thời hạn và phương thức do các bên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.
Mà hợp đồng bảo hiểm [HĐBH], theo Khoản 1, Điều 12, Luật KDBH, đã được định nghĩa là “sự thỏa thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm cho người thụ hưởng hoặc bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.”
Chúng ta thấy ngay trong định nghĩa HĐBH nói trên, pháp luật đã xác định rõ “bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm” như là một THỎA THUẬN giữa BMBH và doanh nghiệp bảo hiểm [DNBH].
Bên cạnh đó, theo Điểm a, Khoản 2, Điều 18 Luật KDBH, thì NGHĨA VỤ của BMBH là “Đóng phí bảo hiểm đầy đủ, theo thời hạn và phương thức đã thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm”.
Như vậy, theo quy định pháp luật, ĐÓNG PHÍ BẢO HIỂM vừa là THỎA THUẬN vừa là NGHĨA VỤ của BÊN MUA BẢO HIỂM trong quá trình giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm. Các quy định pháp luật này đã dẫn đến kết luận sau đây:
Doanh nghiệp bảo hiểm có hay không thực hiện thông báo nhắc phí thì các hành vi đó KHÔNG ẢNH HƯỞNG ĐẾN VIỆC BÊN MUA BẢO HIỂM PHẢI THỰC HIỆN NGHĨA VỤ ĐÓNG PHÍ CỦA MÌNH để làm cho hợp đồng bảo hiểm được duy trì hiệu lực. Nói rõ là, không có quy định pháp luật nào buộc DNBH phải nhắc phí cho BMBH.
Dù có thể có người không thích nghe một kết luận như vậy, nhưng luật là luật! Khi giao kết và thực hiện một hợp đồng thì các bên giao kết đều có quyền và nghĩa vụ đối với nhau để giúp cho việc thực hiện hợp đồng đó được thuận lợi và đạt kết quả như mong muốn của các bên.
Trong thực tế, các DNBH có thể thực hiện nhắc phí khách hàng, nhưng có khách hàng được nhắc thì đóng phí, khách hàng khác được nhắc thì vẫn không đóng phí, lại có khách hàng không được nhắc phí vẫn thực hiện tốt đóng phí. Xem ra việc đóng phí bảo hiểm để duy trì hiệu lực HĐBH phụ thuộc rất lớn vào chủ quan của BMBH.
VẤN ĐỀ 2: THU PHÍ TỰ ĐỘNG LÀ GÌ? DOANH NGHIỆP BẢO HIỂM CÓ QUYỀN THU PHÍ TỰ ĐỘNG HAY KHÔNG?
Trong bài QUÊN, BMBH khẳng định rằng MÌNH SẼ KHÔNG CHỊU TRÁCH NHIỆM VỀ SỐ TIỀN “PHẠT” NÀY (ý nói về “khoản giảm thu nhập đầu tư”) bởi không phải BMBH cố tình không nộp phí.
Tôi xin nói về mặt pháp lý của việc thu phí bảo hiểm ở các DNBH. Theo Điểm a, Khoản 2, Điều 17, Luật KDBH, thì DNBH có quyền “Thu phí bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.” Trong thực tế đối với hoạt động bảo hiểm nhân thọ [BHNT], thì HĐBH nhân thọ là một bộ gồm bốn văn bản, tài liệu sau đây:
1. Hồ sơ yêu cầu BHNT (đơn yêu cầu bảo hiểm, có chữ ký của bên mua bảo hiểm [BMBH]và người được bảo hiểm [NĐBH]), VÀ
2. Giấy chứng nhận bảo hiểm (do doanh nghiệp bảo hiểm cấp), VÀ
3. Quy tắc-điều khoản sản phẩm bảo hiểm (được phê duyệt bởi Bộ Tài chính (Cục quản lý giám sát bảo hiểm) và Bộ Công thương), VÀ
4. Bản minh họa quyền lợi bảo hiểm (có chữ ký của bên mua bảo hiểm).
Như vậy, nói đến “thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm” được nêu ở Điểm a, Khoản 2 được hiểu là những nội dung được thể hiện trong 4 văn bản, tài liệu nêu trên. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thu phí theo các phương thức sau:
• Phương thức 1: Thu phí do BMBH trực tiếp đóng phí theo dịnh kỳ đóng phí (tháng, hay quý, hay nữa năm, hay năm) như được ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm; hoặc
• Phương thức 2: “Thu phí tự động” theo dịnh kỳ đóng phí (tháng, hay quý, hay nữa năm, hay năm) như được ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, trong trường hợp khách hàng chưa đóng phí và HĐBH đã hình thành giá trị hoàn lại (giá trị tiền mặt). Thực chất của việc “thu phí tự động” chính là DNBH cho BMBH tạm ứng để đóng phí.
Việc “thu phí tự động” nhằm giúp khách hàng duy trì hiệu lực HĐBH khi vì lý do gì đó mà khách hàng đã không đóng phí. Hoạt động nghiệp vụ này đòi hỏi khách hàng phải trả khoản phí gọi là “khoản giảm thu nhập đầu tư”, tương tự như tiền lãi.
Các quy định liên quan đến “thu phí tự động” và “khoản giảm thu nhập đầu tư” thường được thể hiện trong quy tắc-điều khoản của các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, được phê duyệt bởi Bộ Tài chính (Cục quản lý giám sát bảo hiểm) và Bộ Công thương.
Bởi vì việc “thu phí tự động” và tính “khoản giảm thu nhập đầu tư” được quy định trong HĐBH và quy tắc- điều khoản của HĐBH đã được phê chuẩn bởi các cơ quan chức năng nên DNBH cho nên DNBH hoàn toàn có quyền thực hiện việc thu phí kiểu này.
Do vậy, trong trường hợp này BMBH không thể nói rằng mình “quên” đóng phí vì DNBH không nhắc phí và vì vậy BMBH nên chấp nhận việc DNBH “thu phí tự động” và tính “khoản giảm thu nhập đầu tư”, bởi vì tất cả đều đã được thể hiện trong HĐBH.
Nhân đây, phải xác định rõ, “khoản giảm thu nhập đầu tư” không phải là tiền “phạt” như BMBH đã viện dẫn, mà đó là khoản tiền DNBH thu lại để bù cho khoản thu nhập đầu tư bị mất đi. Trong thực tế, tập hợp tất cả tiền phí bảo hiểm mà BMBH nộp vào đều được DNBH đầu tư sinh lợi. Lợi nhuận đầu tư mang về được chia phần lớn cho các BMBH ở dạng “bảo tức”, hoặc “bảo tức đặc biệt”, hoặc “lãi chia cuối hợp đồng”. Bây giờ, DNBH dùng tiền phí bảo hiểm của BMBH hợp đồng khác để chi tạm ứng phí cho BMBH hợp đồng này thì phải tính và thu lại “khoản giảm thu nhập đầu tư” ltừ BMBH hợp đồng này là công bằng và hợp lý.
Bên cạnh đó, Khoản 4, Điều 12 Luật KDBH có quy định “Những vấn đề liên quan đến hợp đồng bảo hiểm không quy định trong Chương này được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.” Điều đó có nghĩa là, những vấn đề nào đã được Luật KDBH quy định thì không phải áp dụng các quy định pháp luật trong Bộ luật dân sự và các quy định pháp luật khác. Nói rõ hơn, các vấn đề “thu phí tự động” và “khoản giảm thu nhập đầu tư” trong HĐBH đã được điểu chỉnh bởi Luật KDBH, với tư cách là luật chuyên ngành, thì không thể áp dụng Bộ luật dân sự và Luật thương mại nào khác.
Trong thực tế, từ khi ngành bảo hiểm nhân thọ (BHNT) ra đời tại Việt Nam cho đến nay, tất cả các doanh nghiệp BHNT đều áp dụng hoạt động nghiệp vụ “thu phí tự động” cho những sản phẩm BHNT có giá trị hoàn lại. Ở các nước khác cũng thể, thuật ngữ BHNT tiếng Anh gọi hoạt động này là “automatic loan premium” hay viết tắt là “APL”, được hiểu là “cho vay đóng phí tự động”. Trong đó hàm ý rằng đây là khoản vay thì phải trả lãi. Thế thôi!
VẤN ĐỀ 3: QUYỀN LỢI KHÁCH HÀNG TỪ VIỆC THU PHÍ TỰ ĐỘNG LÀ GÌ?
Tôi xin đề cập đế hai quyền lợi của BMBH liên quan đến việc “thu phí tự động” và tính “khoản giảm thu nhập đầu tư” như là cách kết thúc bài viết này.
1. Duy trì hiệu lực HĐBH khi BMBH vì nguyên nhân chủ quan hay khách quan nào đó mà chưa thể đóng phí bảo hiểm. Đây là một quyền lợi then chốt cho BMBH. Không ai mong muốn sự kiện bảo hiểm xảy ra, nhưng nếu nó vẫn xảy ra trong khi HĐBH đã mất hiệu lực do BMBH chưa đóng phí bảo hiểm thì sao?
2. Khi HĐBH có phát sinh khoản “thu phí tự động”, BMBH vẫn nhận được tất cả quyền lợi chia lãi hàng năm (bảo tức các loại) và lãi chia cuối hợp đồng như bình thường. Có nghĩa là BMBH vừa được tính “khoản giảm thu nhập đầu tư”, vừa được chia thêm quyền lợi tài chính. Chênh lệch giữa hai khoản tiền này làm cho lãi suất thực của việc thu phí tự động trở nên thấp đi. Nếu BMBH phải vay nóng bên ngoài để đóng phí bảo hiểm thì sao?
Nguồn : https://www.facebook.com/dat.nguyen.7777/posts/1504558822898822
Bảo hiểm nhân thọ - Chữ tâm đặt lên hàng đầu
0 comments