(ĐTCK) Cuối tháng 6 vừa qua, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự 2015 (gọi tắt là Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017) đã chính thức được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.
Việc tội danh “gian lận trong kinh doanh bảo hiểm” được giữ nguyên trong Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017, theo các chuyên gia trong ngành, là kết quả của những nỗ lực lớn từ Bộ Tài chính, Cục Quản lý Giám sát bảo hiểm, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Bộ Tư pháp, Bộ Công an và toàn ngành bảo hiểm.
Trong bối cảnh đang xuất hiện ngày càng nhiều vụ việc có dấu hiệu gian lận bảo hiểm, đây có thể coi là “vị cứu tinh” đối với các doanh nghiệp bảo hiểm trong nhiều trường hợp.
Đơn cử sự vụ bồi thường bảo hiểm nhân thọ liên quan đến căn bệnh HIV “nổi đình, nổi đám” mới đây. Người mua bảo hiểm là chị ruột mua 2 hợp đồng bảo hiểm cho người được bảo hiểm là em trai.
Khi người được bảo hiểm qua đời do tai nạn năm 2016, doanh nghiệp bảo hiểm cho biết họ có bằng chứng chỉ ra người được bảo hiểm đã bị nhiễm HIV từ năm 2012. Trong khi phía người mua bảo hiểm phủ nhận điều này.
Thay vì đưa vụ tranh chấp ra tòa án giải quyết, người mua bảo hiểm đã công khai thông tin trên nhiều phương tiện để gây áp lực lên doanh nghiệp bảo hiểm nhằm đòi tiền.
Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, luật sư Nguyễn Khắc Thành Đạt, nguyên Phó tổng giám đốc Prudential Việt Nam cho biết, ông muốn đưa ra những tình huống giả định liên quan đến vụ HIV đang nóng để phân tích pháp lý liên quan đến quy định vừa mới được ban hành kể trên.
Thứ nhất, giả định quy định mới đã có hiệu lực pháp lý và số tiền bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm không được chi trả là 200 triệu đồng.
“Nếu chứng cứ người được bảo hiểm bị nhiễm HIV là giả tạo, do doanh nghiệp bảo hiểm tự tạo ra để từ chối trả tiền bảo hiểm thì công ty này đã vi phạm quy định mới với hành vi “giả mạo tài liệu, cố ý làm sai lệch thông tin để từ chối bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi sự kiện bảo hiểm đã xảy ra”, để “chiếm đoạt số tiền bảo hiểm là 200 triệu đồng”. Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ bị xử lý hình sự, bị phạt tiền 200 triệu đồng đến 1 tỷ đồng”, ông Đạt phân tích.
Tuy nhiên, theo ông Đạt, trong thực tế, giả định này khó có thể xảy ra vì các doanh nghiệp bảo hiểm vẫn thường chi trả tới hàng tỷ đồng cho khách hàng tham gia bảo hiểm. Công ty không cần thiết phải làm giả bằng chứng để từ chối chi số tiền bảo hiểm chỉ 200 triệu đồng cho 1 khách hàng, trong khi số tiền chi trả hàng năm của doanh nghiệp lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng cho hàng triệu khách hàng.
Chưa kể, đối với trường hợp này, khách hàng sở hữu 2 hợp đồng bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm đã chấp nhận chi trả cho một hợp đồng, hợp đồng còn lại có vấn đề nên quyết định không chi. Doanh nghiệp bảo hiểm phải có bằng chứng mới làm như vậy.
Giả định thứ hai, bên mua bảo hiểm không biết người được bảo hiểm bị nhiễm HIV do người được bảo hiểm cố tình che giấu. Trong trường hợp này, nếu chưa đồng thuận với quyết định của doanh nghiệp bảo hiểm, người mua bảo hiểm nên đưa vụ việc ra tòa, thay vì công khai thông tin đòi tiền.
Giả định thứ ba là bên mua bảo hiểm đã biết người được bảo hiểm bị lây nhiễm HIV nhưng kê khai không trung thực để trục lợi bảo hiểm. Nếu vậy, người mua bảo hiểm đã vi phạm quy định mới “chiếm đoạt số tiền bảo hiểm từ 100 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng”. Khi đó, bên mua bảo hiểm sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự và bị phạt tiền từ 100 triệu đồng - 300 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 - 3 năm.
Tuy nhiên, phải đến ngày 1/1/2018, quy định mới mới có hiệu lực, vậy hiện tại, vụ việc này sẽ được giải quyết ra sao?
Ông Đạt cho rằng, Điều 139 Bộ luật Hình sự hiện hành sẽ được áp dụng. Khi đó, đối với tình huống giả định 1 và 2 nêu trên, không bên nào phải chịu trách nhiệm hình sự.
BHNT CHỮ TÍN LÀM ĐẦU
Với giả định 3, người mua bảo hiểm sẽ bị xử khá nặng: phạt tù từ 2 - 7 năm (nếu chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng - dưới 200 triệu đồng); phạt tù 7 - 15 năm (200 triệu đồng - dưới 500 triệu đồng).
Kim Lan
0 comments