Tính đến nay, cả nước có khoảng 5,8 triệu hợp đồng bảo hiểm nhân thọ có hiệu lực, trung bình 6,4 triệu đồng/hợp đồng. Theo đánh giá của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thị trường này đang tăng trưởng về chất thay vì về lượng như giai đoạn trước đó. Nhưng có thật sự như vậy?
Mặt trái của chạy đua tăng trưởngÐiều đáng nói, sức ép cạnh tranh trong bảo hiểm nhân thọ dường như ngày một khốc liệt hơn. Số lượng doanh nghiệp chia sẻ miếng bánh thị trường ngày một nhiều lên, sản phẩm đưa ra ngày càng đa dạng. Ðơn cử một doanh nghiệp từng tiên phong trên thị trường như Prudential Việt Nam, cũng không tránh khỏi chịu tác động của cuộc cạnh tranh gay gắt này. Một khi số lượng các công ty bảo hiểm nhân thọ tăng từ 8 lên 18 công ty chỉ trong năm năm qua, thì Prudential Việt Nam cũng không thể kéo dài hơn được giai đoạn phát triển nhanh như trước nữa. Thị phần của hãng này thậm chí còn giảm xuống chỉ ở mức 27 - 30%. Prudential Việt Nam cũng gặp phải những "phốt" tai tiếng như vụ khách hàng kiện đại lý bảo hiểm lừa hàng trăm tỷ đồng ra tòa...
Ðể trụ vững với sức ép cạnh tranh trên thị trường, các công ty bảo hiểm nhân thọ phải chạy đua tăng trưởng nóng về lượng hợp đồng, doanh thu, đại lý... Và dĩ nhiên, điều đó kéo theo những vụ việc liên quan đến tranh chấp quanh hợp đồng bảo hiểm nhân thọ xảy ra ngày một nhiều.
Trước đó, trong đợt thanh tra, kiểm tra hoạt động bảo hiểm hồi cuối năm 2016 đối với ba doanh nghiệp bảo hiểm là Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam, Công ty TNHH Dai-ichi Việt Nam và Công ty TNHH Bảo hiểm phi nhân thọ Cathay Việt Nam và hai công ty môi giới bảo hiểm trong quý III/2016, Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm đã phát hiện các doanh nghiệp bảo hiểm này vi phạm hàng loạt lỗi trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm phi nhân thọ, hoạt động môi giới bảo hiểm…
Sau giai đoạn phát triển nóng, giờ đây các công ty phải quay về với yếu tố cơ bản trong phát triển bền vững, đó là nâng "chất" cho tăng trưởng. Bởi nếu không, với đà tăng hợp đồng đi đôi với những vụ tranh chấp tai tiếng, thì những ví von của khách hàng về việc bảo hiểm nhân thọ chẳng khác gì với bán hàng đa cấp, sẽ càng được chứng minh là đúng trong thực tế.
Bảo hiểm rủi ro trở thành... rủi ro
Thị trường hiện có khoảng hơn 350 sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, nhưng cụ thể các sản phẩm lại không khác nhau nhiều. Ðiều đáng nói, tất cả sản phẩm bảo hiểm nhân thọ đều có chung đặc điểm là khách hàng thường đóng phí dần theo tháng, quý hoặc năm. Do đó, mới nghe thấy số tiền đóng không lớn nhưng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ thường kéo dài lên tới 10 - 15 năm, nên tổng số tiền phải đóng lại không hề nhỏ. Chính vì vậy, khách hàng thường có tâm lý "đâm lao phải theo lao", đã mua rồi thì không thể không đóng đến cùng. Nhưng khi mua bảo hiểm, hầu như các khách hàng lại không chú ý đọc kỹ hợp đồng bảo hiểm, đặc biệt là không tìm hiểu kỹ điều khoản loại trừ.
Ông Ðỗ Văn Quang, Văn phòng Luật sư Ðỗ Quang và cộng sự khuyến cáo, khách hàng cần yêu cầu các công ty bảo hiểm giải thích tất cả điều khoản có chứa những thuật ngữ y học hoặc những từ nước ngoài để bảo vệ quyền lợi của mình khi có vấn đề xảy ra phải bồi thường.
Cũng theo ông Quang, rất nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp do người mua bảo hiểm nhân thọ chưa hiểu rõ nhưng vẫn nhắm mắt ký hợp đồng. Nhiều người được bạn bè, người thân mời mua bảo hiểm, vì tin tưởng nên mua mà không xem kỹ các điều khoản trong hợp đồng. Ðến khi xảy ra sự cố, phần thiệt thòi thường rơi vào người mua. Theo phân tích của ông Quang, trung bình một sản phẩm bảo hiểm tai nạn và sản phẩm bảo hiểm y tế có khoảng 20 điều khoản loại trừ, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo có 10-15 điều khoản loại trừ..., chưa kể những câu chữ trong hợp đồng quá khó hiểu, thậm chí mập mờ khiến khách hàng có cảm giác bị đánh đố.
Chính vì vậy, ở góc độ quản lý, ông Doãn Thanh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho rằng: Ðể bảo đảm quyền lợi của mình khi giao kết hợp đồng bảo hiểm, người mua cần thực hiện các bước đơn giản sau: Thứ nhất, xác định nhu cầu bảo hiểm và khả năng tài chính của mình để lựa chọn sản phẩm bảo hiểm phù hợp nhất. Thứ hai, yêu cầu doanh nghiệp cung cấp và giải thích đầy đủ các điều kiện, điều khoản bảo hiểm. Ðây là quyền và cũng là trách nhiệm của doanh nghiệp đối với khách hàng trước khi tham gia bảo hiểm. Thứ ba, khách hàng nên đọc kỹ một số nội dung trong hợp đồng bảo hiểm như: phạm vi bảo hiểm, quyền lợi khi tham gia bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, số tiền bảo hiểm, phí bảo hiểm, phương thức và thời hạn đóng phí.
Thị trường trong nước với khoảng 90% dân số, tương đương hơn 85 triệu người chưa mua bảo hiểm nhân thọ, hứa hẹn dư địa phát triển cho các công ty bảo hiểm. Không phải tự nhiên mà những tên tuổi lớn của các hãng bảo hiểm lớn trên thế giới đều đặt chân vào thị trường đầy tiềm năng này. Nhưng, sau giai đoạn phát triển nóng, giờ đây cung cách kinh doanh cũ có còn thích hợp, khi mà người mua bảo hiểm đang còn giữ thái độ cẩn trọng trước các lời chào mời.
Khi được hỏi về các lý do thường được đưa ra để từ chối mua bảo hiểm, giám đốc kinh doanh một công ty bảo hiểm nước ngoài đề nghị giấu tên liền liệt kê: không cần, không tin, không có tiền. "Tựu trung, tất cả đều là cách nói tránh của "không tin". Bản chất của bảo hiểm nhân thọ là khoản đầu tư bảo hiểm rủi ro, vậy mà để người tiêu dùng xem nó như một mối rủi ro, đồng nghĩa là các công ty bảo hiểm vẫn chưa thật sự khai mở... tiềm năng thị trường.
http://www.nhandan.com.vn/cuoituan/goc-nhin-kinh-te/item/33332402-bat-an-voi-bao-hiem-nhan-tho.html
0 comments