Đó là quy định vừa được bổ sung tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 124/2012/TT-BTC đang được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến lần cuối.
Cụ thể, tại Điều 51 Thông tư 124/2012/TT-BTC quy định về hoạt động môi giới bảo hiểm, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án sửa đổi. Phương án 1, không cho phép doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm (DNBH), chi nhánh nước ngoài ủy quyền cho doanh nghiệp môi giới bảo hiểm (DNMG) thu hộ phí bảo hiểm, trả tiền bồi thường hoặc trả tiền bảo hiểm. Còn phương án 2, giữ nguyên như hiện tại, đồng nghĩa với việc vẫn áp dụng quy định tại Thông tư 124 cũ, cho phép DNMG được thu phí hộ DNBH nhưng phải đảm bảo khá nhiều nguyên tắc.
Trước đó, có thời điểm, Dự thảo Thông tư từng bỏ quy định thu hộ phí, thay vì đưa ra 2 phương án lựa chọn như hiện nay.
Trên thực tế, việc DNMG thu hộ phí cho DNBH đã làm phát sinh nhiều vấn đề. Chia sẻ với ĐTCK, lãnh đạo một DNBH cho biết, một số DNMG thu phí bảo hiểm của khách hàng, nhưng sau một thời gian mới nộp lại cho DNBH, dẫn đến việc khó xác định trách nhiệm bồi thường bảo hiểm của DNBH.
“Nếu trong thời gian đơn vị môi giới giữ lại phí của khách hàng mà xảy ra tổn thất, DNMG có chịu trách nhiệm bồi thường không? Bởi theo quy định của pháp luật bảo hiểm hiện hành, thì DNBH chỉ được bồi thường khi khách hàng đã đóng đủ phí theo quy định”, vị lãnh đạo trên nói, đồng thời đề xuất, cần có quy định đủ chặt để chấm dứt tình trạng trên.
Cũng theo một DNBH, có trường hợp khách hàng bảo hiểm chưa nộp phí bảo hiểm, chưa phát sinh trách nhiệm bảo hiểm, nhưng bên môi giới bảo hiểm bao che khẳng định họ đã chuyển phí bảo hiểm cho môi giới để được DNBH giải quyết bồi thường. Hay trường hợp, DNMG om phí của khách hàng, không chịu nộp cho DNBH, hoặc trường hợp người mua bảo hiểm đã chuyển tiền cho môi giới, nhưng DNBH không biết, gửi thông báo chấm dứt hợp đồng bảo hiểm đối với người mua bảo hiểm… Trong những trường hợp này, quyền lợi của cả DNBH và khách hàng đều bị ảnh hưởng.
Chính vì vậy, theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (AVI), cần có quy định ngay sau khi nhận được phí bảo hiểm thu hộ, DNMG cần thông báo bằng văn bản cho DNBH biết số tiền thu được, số chứng từ chứng minh người được bảo hiểm đã nộp phí, thời gian nộp phí. Nếu không thông báo, DNMG phải chịu mọi trách nhiệm phát sinh sau đó về trách nhiệm bảo hiểm (bồi thường) hoặc chấm dứt hợp đồng bảo hiểm liên quan đến nghĩa vụ nộp phí bảo hiểm của khách hàng khi khách hàng đã nộp phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn.
Việc thu hộ phí cho DNBH để thực hiện dịch vụ trọn gói, từ khâu khách hàng đến các khâu thanh toán sau đó, nhằm mang lại cho khách hàng những dịch vụ tiện lợi nhất, thế nhưng những gì DNMG đang làm đã khiến DNBH chưa thực sự tin tưởng.
“Bảo vệ khách hàng, gia tăng quyền lợi khách hàng là điều mà không chỉ DNMG, mà cả bên bán bảo hiểm cũng muốn làm. Nhưng nếu môi giới đứng hẳn về phía khách hàng hòng trục lợi, dẫn đến DNBH thua lỗ, sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của cả DNBH và DNMG. Vì vậy, hợp tác giữa DNBH và DNMG nhằm phát triển thị trường bảo hiểm lành mạnh, hiệu quả là việc làm cần thiết”, một DNBH chia sẻ.
Những lỗi liên quan đến thu phí hộ cùng một số lỗi mà DNMG thường mắc phải như tự soạn thảo nội dung mời thầu, biểu phí bảo hiểm không dựa trên một quy tắc điều khoản biểu phí của DNBH nào trên thị trường…, theo nhìn nhận của nhiều chuyên gia trong ngành, cũng một phần xuất phát từ chính DNBH, bởi dưới sức ép doanh thu, sự cạnh tranh gay gắt để tồn tại, đôi khi DNBH biết môi giới làm sai nhưng vẫn chấp nhận bảo hiểm.
Đưa ra quan điểm về việc có nên hay không nên cho DNMG thu hộ phí bảo hiểm, AVI cho rằng, thời điểm hiện tại, vẫn nên cho phép việc thu phí hộ này, nhưng với các nguyên tắc được thỏa thuận trong hợp đồng riêng cho trường hợp thu phí (ngoài hợp đồng môi giới) giữa 2 bên (DNBH và DNMG). Quan trọng hơn, theo AVI, cần quản lý chặt tiêu cực phát sinh tranh chấp. Ý kiến này nhận được sự ủng hộ của các DNBH cũng như DNMG bảo hiểm.
Nguồn :internet
0 comments