Thách thức đạt 4% phí bảo hiểm gốc/GDP
Mảng nhân thọ đang chiếm ưu thế hơn trong doanh thu phí cả về con số lẫn tốc độ tăng trưởng |
Tại lễ kỷ niệm thành lập của một
doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đầu tuần qua, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần
Xuân Hà nhận định, dù nỗ lực nhưng quy mô thị trường bảo hiểm Việt Nam vẫn còn
nhỏ với doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường (cả phi nhân thọ lẫn nhân thọ)
tính trên GDP chỉ đạt trên 2%, trong khi con số này tại các nước trong khu vực
ASEAN như Thái Lan, Malaysia, Singapore… vào khoảng 15 - 17%.
Nhận định của một lãnh đạo cơ quan quản lý thị trường bảo hiểm
Việt Nam cho thấy thị trường còn rất nhiều việc phải làm khi con số này đến năm
2020 phải đạt 3 - 4%, theo Chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm Việt Nam
mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Như vậy, nếu chỉ lấy mức
tối thiểu là 3%, có nghĩa từ nay (tính từ năm 2015) đến năm 2020, bình quân mỗi
năm tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm tính trên GDP cần tăng thêm khoảng 0,2%.
Nhìn qua, con số 0,2% có
thể không lớn, nhưng theo một số chuyên gia trong ngành, để chinh phục mốc 3%
sẽ là cả một chặng đường không hề bằng phẳng khi nhiều năm qua, tỷ lệ này hầu
như dậm chân tại chỗ.
Theo thống kê của Bộ Tài
chính, tốc độ tăng trưởng doanh thu phí bảo hiểm toàn ngành giai đoạn 2012 -
2014 (thời điểm sau khi Thủ tướng phê duyệt Chiến lược phát triển ngành bảo
hiểm) chậm hơn so với các năm trước (năm 2013 tăng trưởng thấp nhất tính từ năm
1993, với mức tăng trưởng 7%). Riêng lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, 3 năm gần
đây tăng trưởng âm. Nguyên nhân do khó khăn chung của nền kinh tế, ảnh hưởng
đến nhu cầu bảo hiểm.
Về tỷ lệ doanh thu phí
bảo hiểm toàn thị trường tính trên GDP, theo thống kê của Cục Quản lý và Giám
sát bảo hiểm (Bộ Tài chính), từ năm 2007 đến 2012, quy mô thị trường hầu như
dậm chân tại chỗ, tỷ lệ doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường tính trên GDP
chỉ quanh ngưỡng 2%. Trong đó, mảng bảo hiểm nhân thọ có phần lấn át hơn so với
mảng bảo hiểm phi nhân thọ.
“Dù số lượng ít hơn, chỉ
17 doanh nghiệp trong khi khối phi nhân thọ là 29 doanh nghiệp, nhưng mảng nhân
thọ đang chiếm ưu thế hơn trong doanh thu phí bảo hiểm cả về con số lẫn tốc độ
tăng trưởng cũng như tỷ trọng đầu tư trở lại nền kinh tế”, lãnh đạo một doanh
nghiệp bảo hiểm nói và cho rằng, về lâu dài, bảo hiểm nhân thọ sẽ là mảng chủ
đạo do đặc thù sản phẩm là dài hạn (5 năm, 10 năm hay lâu hơn), còn phi nhân
thọ thì sản phẩm bảo hiểm theo năm một.
“Cùng một mức giả thiết
là với 10 tỷ đồng doanh thu phí bảo hiểm, nhưng với bảo hiểm nhân thọ, con số
này sẽ tương đương với khoảng 100 tỷ đồng doanh thu nếu hợp đồng đó được duy
trì 10 năm, không hủy giữa chừng; trong khi với bảo hiểm phi nhân thọ, thì vẫn
chỉ là 10 tỷ đồng. Bởi thế, các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ cần phát huy
năng lực của mình trong việc khai thác bảo hiểm, đóng góp vào doanh thu phí bảo
hiểm chung toàn thị trường”, đại diện doanh nghiệp trên chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, cũng có ý
kiến cho rằng, vai trò của các khối bảo hiểm là như nhau, dù đó là phi nhân thọ
hay nhân thọ. Điều quan trọng là thị trường cần nhiều hơn nữa những doanh
nghiệp bảo hiểm thuộc diện dẫn dắt thị trường, như Prudential, Bảo Việt Nhân
thọ, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm PVI... Có như vậy, mốc 4% vào năm 2020 mới có
thể đạt được, hướng tới thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực.
Còn đối với người mua
bảo hiểm, dù ở tỷ lệ nào, cái họ quan tâm là quyền lợi của mình sẽ được bảo vệ
ra sao trong trường hợp rủi ro. Điều đó có nghĩa, năng lực tài chính của nhà
bảo hiểm phải đảm bảo được khả năng chi trả (bồi thường) bảo hiểm.
Giải pháp phát triển
tổng thể thị trường cho mục tiêu doanh thu phí bảo hiểm đạt 3 - 4% GDP đã có
với sự nỗ lực chung của toàn ngành, từ doanh nghiệp bảo hiểm đến các cơ quan
quản lý, tất nhiên, cũng không thể thiếu vai trò của người tham gia bảo hiểm,
mà ở đó kỳ vọng nhận thức của người dân sẽ ngày một tốt hơn.
Nguồn : Internet
0 comments