Không phải là hiện tượng giành giật đại lý/tư vấn bảo hiểm như đã từng xảy ra, dù việc cạnh tranh không lành mạnh bằng cách nói xấu nhau đang xuất hiện trên thị trường bảo hiểm nhân thọ này không phải là hiện tượng phổ biến nhưng cũng đủ làm mệt mỏi các DN có liên quan, đặc biệt các công ty bảo hiểm mới bén duyên và đang bắt đầu phát triển tại thị trường này.
Phản ánh từ đại lý của một DN bảo hiểm có thị phần còn nhỏ nhưng cũng đã có tên tuổi trên thị trường cho biết, những tháng đầu năm 2015, tên tuổi của công ty luôn bị đại lý/tư vấn bảo hiểm nhân thọ của một công ty bạn nói xấu.
Sự việc này xảy ra chủ yếu ở các tỉnh miền Trung - là địa bàn công ty đang phát triển mạnh. Đại lý/tư vấn của công ty bị nói xấu ở khu vực này báo rằng, nhiều khách hàng nghi ngờ, thậm chí có khách chuẩn bị ký hợp đồng đã từ chối không tham gia bảo hiểm với công ty chỉ vì nghe đại lý/tư vấn bảo hiểm công ty khác nói công ty bảo hiểm này đang thua lỗ.
Bằng chứng họ đưa ra là những báo cáo tài chính công ty công bố công khai theo quy định của pháp luật.
Thực tế, vì là ngành kinh doanh có đặc thù khá riêng nên thông thường kể từ khi đi vào hoạt động, các DN bảo hiểm nhân thọ phải mất một thời gian khá dài từ 5 - 7 năm mới đạt điểm hòa vốn rồi sau đó mới bắt đầu có lãi. Các công ty bảo hiểm nhân thọ mới khi gia nhập thị trường cần phải tốn chi phí rất nhiều cho việc mở rộng thị trường, quảng bá thương hiệu, hoa hồng… và đặc biệt là đa số sản phẩm chưa đáo hạn. Vì vậy, DN bảo hiểm nhân thọ lỗ (theo báo cáo tài chính) là chuyện rất bình thường của ngành.
Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của khách hàng, của người dân, một số công ty bảo hiểm đã tư vấn và xuyên tạc để giành khách hàng (chẳng hạn, Công ty X lỗ mấy năm qua nên sẽ phá sản, Công ty Y làm ăn không có lời thì làm sao đủ chi phí vận hành, trả quyền lợi...).
Việc cạnh tranh không lành mạnh như vậy không chỉ khiến cho những khách hàng thiếu thông tin hoang mang, quay lưng lại với những công ty bảo hiểm mới gia nhập thị trường mà vấn đề này nếu còn tiếp tục sẽ ảnh đến uy tín của cả ngành bảo hiểm.
Theo phản ánh từ công ty bảo hiểm đang bị nói xấu thì hiện tượng này đến nay vẫn còn tiếp diễn. Đại lý/tư vấn bảo hiểm công ty bạn vẫn đang tung đòn “tâm lý chiến” này để gây hoang mang, nghi ngờ cho khách hàng đang muốn tham gia bảo hiểm với công ty bị nói xấu.
Cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường bảo hiểm nhân thọ không phải là chuyện gì đó quá mới mẻ. Đã có những trường hợp đại lý của công ty này photo những bài báo có tin tức tiêu cực về công ty kia để “rải truyền đơn” cho khách hàng nhằm “hạ gục” đối thủ, hoặc các công ty bảo hiểm câu kéo nhân sự cốt cán của nhau.
Thị trường đã từng chứng kiến những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh khốc liệt hơn nhiều câu chuyện trên, và những sự việc đó mới chỉ xảy ra cách đây khoảng 2-3 năm. Kết cục của câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh trên là cả DN bảo hiểm đi cạnh tranh và bị cạnh tranh đều thiệt hại. Chưa nói về tổn thất tiền bạc cho những cuộc “mua bán” đại lý, “mua bán” GA trong câu chuyện cạnh tranh không lành mạnh trên, điều có thể nhìn thấy trước mắt là sự sụt giảm uy tín trong ngành.
Trở lại câu chuyện “nói xấu” công ty bạn kể trên, có thể suy đoán rằng “nói xấu” này không phải là chủ trương của công ty bảo hiểm bạn, mà chỉ là việc làm tự phát của đại lý/tư vấn muốn bán được bảo hiểm. Tuy nhiên, những sự vụ cạnh tranh không lành mạnh kiểu tự phát như vậy đang làm nhức nhối hơn câu chuyện về đạo đức kinh doanh trong ngành bảo hiểm.
Lãnh đạo một công ty bảo hiểm lớn trên thị trường từng chia sẻ, công ty này không bao giờ cho phép đại lý của mình cạnh tranh bằng những “đòn đánh dưới thắt lưng”. Điều này đi ngược lại tiêu chí hoạt động của tập đoàn. Tại công ty, ngay từ ngày đầu tiên, đại lý đã được đào tạo không bao giờ được nói xấu công ty bạn và luôn gọi là “công ty bạn”, chứ không phải “đối thủ”. Lãnh đạo công ty luôn phải làm gương cho nhân viên trong việc cạnh tranh lành mạnh.
Nếu công ty bảo hiểm nào cũng quán triệt được những vấn đề trên thì thị trường bảo hiểm sẽ chỉ còn lại là những phương thức cạnh tranh lành mạnh. Nhưng tiếc rằng thực tế không phải lúc nào cũng giống như mong muốn.
Nguồn : internet
0 comments