Bàn giải pháp phát triển thị trường bảo hiểm 2015
Tại Hội nghị thường niên thị trường bảo
hiểm năm 2015 cuối tuần qua, nhiều cơ hội, tiềm năng và giải pháp phát
triển thị trường bảo hiểm đã được các chuyên gia trong và ngoài ngành
chỉ rõ. ĐTCK ghi nhận các ý kiến trao đổi tại Hội nghị.
Tăng cường quảng bá về vai trò của bảo hiểm
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng
Để tiếp tục khẳng định vai trò của bảo hiểm đối với phát triển kinh tế - xã hội, chúng ta cần tập trung vào một số nội dung sau:
Thứ nhất, các chương
trình truyền thông, quảng bá nâng cao nhận thức về ý nghĩa, vai trò của
bảo hiểm; xây dựng và thực hiện cơ chế chính sách; cung cấp thông tin về
phòng chống trục lợi bảo hiểm...
Thứ hai, đánh giá công
tác quản trị, điều hành của DNBH như quản lý tài chính; tuân thủ pháp
luật; đa dạng hóa sản phẩm; chuyên nghiệp hóa kênh phân phối; giảm thiểu
cạnh tranh không lành mạnh…
Thứ ba, đánh giá lại cơ
cấu tổ chức hoạt động của Hiệp hội bảo hiểm trong việc đáp ứng được yêu
cầu của công tác quản lý, giám sát của nhà nước và đòi hỏi của thị
trường.
Thứ tư, thực hiện công
tác quản lý, giám sát bảo hiểm theo hướng chú trọng quản lý, giám sát,
quản lý nhà nước về kinh doanh bảo hiểm tại địa bàn.
Thứ năm, hoàn thiện hệ
thống pháp luật trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; đánh giá tác động
các quy định tại các Nghị định của Chính phủ về kinh doanh bảo hiểm, đề
xuất, kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền.
Trục lợi bảo hiểm sẽ được coi là một tội danh
Bà Nguyễn Thúy Hiền, Thứ trưởng Bộ Tư pháp
Bộ Tư pháp hiện chủ trì 2 đạo luật quan
trọng là Bộ luật Dân sự sửa đổi và Bộ luật Hình sự sửa đổi, đang được
lấy ý kiến rộng rãi. Tại Bộ luật Dân sự sửa đổi, theo đề xuất của Bộ Tài
chính, chúng tôi cũng đã đồng ý đưa phần chế định liên quan đến hợp
đồng bảo hiểm ra khỏi Bộ luật, chỉ để luật chuyên ngành là Luật Kinh
doanh bảo hiểm điều chỉnh.
Còn với Bộ luật Hình sự sửa đổi, chúng
tôi cũng đã tiếp thu đề xuất của Bộ Tài chính và bổ sung một nội dung
mới vào Bộ luật, là coi trục lợi bảo hiểm như một tội danh có thể phạt
tiền, thậm chí phạt tù.
Đây sẽ là những quy định cần thiết tạo
cơ sở pháp lý, công cụ hữu hiệu nhằm phát triển thị trường bảo hiểm. Tuy
nhiên, cũng cần thực thi cũng như giám sát việc thư thi luật cho tốt
nếu không pháp luật cũng chỉ trên giấy mà thôi.
Chúng tôi cũng đề nghị lãnh đạo Bộ tiếp
tục rà soát các quy định liên quan đến bảo hiểm để kiến nghị sửa đổi, bổ
sung các nội dung cần thiết trong thời gian tới.
Không nên chỉ tập trung vào thị trường trong nước
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Bảo hiểm PVI
20 năm phát triển thị trường bảo hiểm,
theo chúng tôi như thế là quá khả quan so với trí tưởng tượng của những
người đã làm bảo hiểm từ những ngày đầu thị trường mới mở.
Tuy nhiên, thị trường cũng phát sinh
nhiều vấn đề mà để hướng tới một thị trường phát triển trong 20 năm tới,
chúng ta phải suy nghĩ ngay từ hôm nay. Dù phát triển mạnh mẽ, nhưng
thị trường của chúng ta còn quá bé nhỏ, do đó không nên chỉ tập trung
vào thị trường trong nước, mà cần phải vươn tầm khu vực và thế giới, đó
mới là quan điểm đáng bàn.
Để làm được điều này, theo tôi cần giải quyết các giải pháp trọng tâm:
Thứ nhất, tiếp tục xây dựng kỷ cương thị
trường lành mạnh và kinh doanh có hiệu quả (hiện tại có nhiều DN đang
gặp nhiều vấn đề về hiệu quả trong kinh doanh, chỉ cạnh tranh một cách
phi chuẩn như giảm phí, cho vay dưới chuẩn, mở rộng điều khoản…).
Thứ hai, hướng tới tăng trưởng bền vững, chú trọng chất lượng.
Nếu không sớm cải thiện những tồn tại, các DNBH sẽ gặp nhiều vấn đề.
Sẽ có một nghị định hoàn chỉnh về bảo hiểm xây dựng
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng
Đối với đầu tư xây dựng tại
Việt Nam, chúng tôi luôn nhận thức bảo hiểm đóng vai trò rất quan trọng
trong giảm thiểu quản lý, chia sẻ rủi ro…
Các quy định về bảo hiểm cũng đã có từ
khá lâu, nhưng thực tế công tác bảo hiểm trong đầu tư xây dựng còn nhiều
hạn chế, người mua người không. Dự kiến, năm 2015 này sẽ có một nghị
định hoàn chỉnh về bảo hiểm liên quan đến lĩnh vực xây dựng trình Thủ
tướng Chính Phủ.
Chúng tôi sẽ cố gắng tham gia cùng với
Bộ Tài chính cùng các bộ ngành liên quan để tạo một hành lang pháp lý
khả thi, hiệu quả, thiết thức cho cơ quan quản lý lẫn DNBH.
Đề nghị mở rộng danh mục đầu tư đối với khối DNBH nhân thọ
Ông Paul George Nguyễn, Tổng giám đốc Công ty bảo hiểm nhân thọ Manulife
Chúng tôi mong muốn Bộ Tài chính kịp
thời sửa đổi bổ sung chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN,
hỗ trợ DN phát triển; giải quyết nhanh chóng, kịp thời, đầy đủ các đề
xuất của thị trường. Từ đó tạo điều kiện và cơ hội kinh doanh cho DNBH,
vì sự phát triển lành mạnh của thị trường. Ngoài ra, chúng tôi cũng đề
nghị mở rộng danh mục đầu tư đối với khối DNBH nhân thọ.
Nguồn : trích dẫn baó Đầu tư
0 comments