Lòng tự trọng, theo định nghĩa đơn giản nhất, là cảm nhận của bạn về chính bản thân mình. Lòng tự trọng là nền tảng của hạnh phúc cá nhân, của hiệu suất làm việc, của sự thể hiện ra bên ngoài cung cách làm việc, học tập, lối sống, …
Mỗi người trong chúng ta đều mang ít nhiều khái niệm về cái “Tôi”. Tôi nghĩ tôi là ai? Tôi làm nghề gì? Tôi sống như thế nào? Tôi thích làm gì? Tôi là người tài giỏi? Tôi là người yếu kém? Tôi mong đợi điều gì từ chính mình?… Trong bài viết này, tôi gọi chung những khái niệm đó là sự tự nhận thức (self-concept). (Ở đây, chúng ta đừng quá chú trọng vào ngôn từ, mà hãy hiểu những ý tưởng đằng sau nó theo một cách đơn giản nhất.)
Sự tự nhận thức quyết định chất lượng những mối quan hệ bạn tạo ra với thế giới xung quanh, con người là một phần trong thế giới đó. Sự tự nhận thức này được hình thành bởi ba yếu tố:
Thứ nhất, đó là lý tưởng (self-ideal). Nó bao gồm những giá trị, hành vi, tính cách, … mà bạn đang hoặc mong muốn sở hữu. Lý tưởng của bạn chính là cánh buồm định hướng con tàu cuộc đời. Vì thế, nó quyết định hầu hết những sự lựa chọn quan trọng của bạn trong cuộc sống.
Chúng ta đều biết rằng những con người vĩ đại đều mang trong mình một lý tưởng rõ ràng. Họ biết họ tin vào điều gì, họ đại diện cho cái gì. Và một điều quan trọng, họ không bao giờ chọn một lối sống thoả hiệp hay bán rẻ những giá trị sống của họ. Và những người như vậy là những nhà lãnh đạo xuất chúng hoặc là những hình mẫu tiêu biểu trong xã hội. Một vài người tiêu biểu đó là Nelson Mandela, Helen Keller, …
Yếu tố thứ hai quyết định sự tự nhận thức đó là hình ảnh tự thân (self-image). Hình ảnh tự thân được định nghĩa là cách bạn nhìn nhận chính mình, cách bạn nghĩ về chính mình ngay trong hiện tại. Điều này quyết định hành vi của bạn trong mỗi tình huống khác nhau.
Những người có hình ảnh tự thân tích cực thường tự tin, mạnh mẽ. Nếu bạn có một hình ảnh tự thân tích cực về mình như là một giám đốc điều hành, chuyên gia bán hàng, người cha tốt, người mẹ tốt hay một người lịch thiệp trong những cuộc giao tiếp - tương tác với người khác vào bất cứ khi nào, bạn đều có những hành vi tốt đẹp, hiệu quả.
Một trong những bước đột phá của ngành tâm lý học vào thế kỷ 20 đó là bạn có thể thay đổi hành vi của mình bằng cách thay đổi hình ảnh tinh thần. Sự thật, tất cả những sự phát triển trong cuộc sống của bạn đều bắt nguồn từ sự thay đổi trong cách bạn nhìn nhận và suy nghĩ về chính mình, trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống. Nếu trước mỗi sự kiện hay những cuộc trò chuyện, học tập, làm việc, bạn dành ra vài phút hình dung cách bạn giao tiếp, suy nghĩ, nói năng, đi, đứng theo như con người mà bạn muốn trở thành, một hình mẫu mà bạn muốn đại diện, bạn sẽ có khuynh hướng hành động tích cực hơn.
Yếu tố quan trọng thứ ba, lòng tự trọng (self-esteem). Yếu tố này thuộc về cảm xúc, nó biểu hiện cho cách mà bạn tự cảm nhận về mình, bạn có yêu thích bản thân hay không, có hài lòng về những gì mình làm hay không. Việc bạn tự đánh giá giá trị của con người mình như thế nào sẽ quyết định lòng tự trọng.
Lòng tự trọng được chi phối bởi hình ảnh tự thân. Hay nói cách khác, bạn càng hành động giống (hoặc tiệm cận) với người mà bạn muốn trở thành bao nhiêu, lòng tự trọng của bạn sẽ tăng cao bấy nhiêu.
Một điều cần lưu ý, lòng tự trọng của bạn sẽ giảm sút nếu như bạn để cho những thứ bên ngoài quyết định giá trị con người bạn. Những người giàu (về lòng tự trọng) hiểu rằng chẳng có thứ gì trên đời quyết định giá trị thật sự của họ cả. Còn những người nghèo cố đi tìm và tự đồng hoá giá trị của mình với những đồ vật, tài sản, mối quan hệ mà họ sở hữu. Vì thế mà họ luôn cảm thấy thiếu và muốn có nhiều hơn nữa. Và việc trở thành người giàu hay nghèo hoàn toàn là do bạn quyết định.
Tóm lại, hạnh phúc không đơn giản chỉ là một sự lựa chọn như nhiều người vẫn nghĩ, nó cũng đòi hỏi nhiều nỗ lực, cũng là một quan hệ nhân – quả. Nhưng hạnh phúc khác với thành công ở chỗ, hạnh phúc là do ta tự quyết định, nhưng không phải bằng cách tìm kiếm, mà bằng hành động!
0 comments