Bảo hiểm nhân thọ là cam kết của doanh nghiệp bảo hiểm đáp ứng nhu cầu một khoản tài chính (số tiền chi trả) trong tương lai của người tham gia bảo hiểm đã lựa chọn để sử dụng khi xảy ra các rủi ro, sự cố bất ngờ hoặc các sự kiện được bảo hiểm đã được quy định trong hợp đồng bảo hiểm, đồng thời người tham gia bảo hiểm cam kết đóng phí bảo hiểm đầy đủ, đúng hạn như hợp đồng bảo hiểm đã quy định.
Ông Phùng Đắc Lộc
Giám đốc Quỹ “Vì cuộc sống tươi đẹp” Dai-ichi Life Việt Nam |
-Các sự cố bất ngờ được bảo hiểm bao gồm những sự cố nếu xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến tình hình tài chính (tiền bạc) của người tham gia bảo hiểm khi bị giảm sút hoặc mất thu nhập (nghĩa vụ chu cấp tài chính cho gia đình và người thân như trước khi xảy ra sự cố được bảo hiểm).
-Các sự kiện được bảo hiểm bao gồm những sự kiện lường trước được, chắc chắn xảy ra và khi xảy ra cần có nguồn tài chính từ chi trả quyền lợi bảo hiểm theo quy định của hợp đồng bảo hiểm để triển khai thực hiện sự kiện đó. Có thể bao gồm cả trường hợp người tham gia bảo hiểm đã bị tử vong, thương tật toàn bộ vĩnh viễn trước khi xảy ra sự kiện (với hợp đồng có điều khoản miễn đóng phí với trường hợp trên) như: cho con theo học phổ thông trung học, đại học, học nghề, dựng vợ gả chồng, tậu nhà, mua xe hơi, nghỉ hưu…
Từ khái niệm trên về bảo hiểm nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có những đặc trưng sau đây:
1.Đặc trưng thứ nhất: vừa bảo vệ trước những rủi ro vừa tích lũy tiết kiệm
-Bảo vệ người được bảo hiểm trước những rủi ro là đặc tính không thể thiếu được của sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, mất đi đặc tính này thì không còn được gọi là bảo hiểm. Bảo hiểm nhân thọ bảo hiểm rủi ro liên quan đến tính mạng, sức khỏe (đau ốm, bệnh tật, mất khả năng lao động) có tính dài hạn (5 năm, 10 năm,… suốt đời). Ngoài bù đắp chi phí điều trị ốm đau thương tật, bảo hiểm nhân thọ có thể chi trả các khoản tài chính để bù đắp chi phí: thuê người chăm sóc khi điều trị, giảm sút thu nhập trong thời gian điều trị (tiền lương), giảm sút thu nhập sau thời gian điều trị (không đảm nhận được các công việc trước đây), chi phí nuôi dưỡng thân nhân hoặc nghĩa vụ trả các khoản nợ đang vay của người được bảo hiểm khi họ bị tử vong…
Vì vậy số tiền bảo hiểm cho rủi ro thường rất lớn, các rủi ro được bảo hiểm thường nổi bật và là nguy cơ đe dọa cao đối với người được bảo hiểm nếu xảy ra sẽ phải chi trả số tiền rất lớn. Đây là yếu tố để bảo hiểm nhân thọ cạnh tranh với bảo hiểm sức khỏe của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ hoặc bảo hiểm y tế hiện hành chỉ có thời hạn bảo hiểm 01 năm và không có rủi ro xảy ra hết thời hạn bảo hiểm không được hoàn trả phí bảo hiểm.
-Tiết kiệm: Thông thường các hợp đồng bảo hiểm nhân thọ được thiết kế phí bảo hiểm của người tham gia bảo hiểm đóng vào hàng kỳ mang tính tiết kiệm: nếu xảy ra rủi ro, sự cố, sự kiện được bảo hiểm thì được chi trả số tiền bảo hiểm như cam kết trong hợp đồng bảo hiểm. Nếu hết hạn hợp đồng bảo hiểm, người được bảo hiểm không gặp rủi ro, sự cố, sự kiện được bảo hiểm thì vẫn được chi trả quyền lợi bảo hiểm đúng với cam kết trong hợp đồng thường bằng tổng số phí đã đóng cộng thêm một phần bảo tức (nếu có).
Một số hợp đồng bảo hiểm có cam kết chia lãi (thường là hợp đồng bảo hiểm có giá trị lớn, có phí bảo hiểm đóng định kỳ cao) thì doanh nghiệp bảo hiểm phải trả bảo tức ít nhất bằng lãi đã cam kết trong hợp đồng bảo hiểm.
Số phí bảo hiểm thu được hàng kỳ doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm đầu tư đảm bảo an toàn và sinh lời theo đúng quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm.
Số lãi đầu tư doanh nghiệp bảo hiểm dùng để:
+ Chi trả cho các quyền lợi rủi ro: tai nạn, thương tật, đau ốm, tử vong…
+ Chi trả tiền thưởng định kỳ, bảo tức cho người được bảo hiểm.
+ Trang trải chi phí hoạt động kinh doanh và lãi của doanh nghiệp bảo hiểm.
Theo Luật kinh doanh bảo hiểm đối với sản phẩm bảo hiểm nhân thọ có chia lãi, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả lãi theo đúng cam kết dù đầu tư từ phí bảo hiểm hiệu quả thấp (phần lỗ doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm). Ngoài ra cơ cấu sử dụng lãi đầu tư tài chính từ phí bảo hiểm được Luật quy định là tối thiểu 70% dùng để chia lãi cho người được bảo hiểm. Nếu lãi cam kết theo hợp đồng bảo hiểm chưa sử dụng hết 70% lãi đầu tư tài chính từ phí bảo hiểm thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm chi trả thêm (bảo tức bổ sung).
Tuy nhiên với người tham gia bảo hiểm chấm dứt hợp đồng bảo hiểm trước hạn sẽ bị thiệt thòi lớn:
+ Trong vòng 02 năm đầu sau khi ký kết hợp đồng bảo hiểm không được chi trả giá trị hoàn lại (phí bảo hiểm và lãi cam kết) theo Luật kinh doanh bảo hiểm.
+ Số năm tham gia bảo hiểm nhỏ hơn thời hạn hợp đồng bảo hiểm thường được trả giá trị hoàn lại thấp hơn phí đã đóng cộng lãi cam kết.
-Tích lũy: Người được bảo hiểm muốn tích lũy nhanh hơn cách tiết kiệm nói trên khi môi trường đầu tư tiền nhàn rỗi từ phí bảo hiểm khá hấp dẫn qua các kênh chứng khoán, bất động sản… doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã thiết kế sản phẩm bảo hiểm đầu tư còn gọi là sản phẩm bảo hiểm phi truyền thống gồm 02 loại:
+ Bảo hiểm liên kết chung: doanh nghiệp bảo hiểm cùng chung với người tham gia bảo hiểm để liên kết đầu tư qua các kênh, danh mục đầu tư nói trên. Trong đó người tham gia bảo hiểm giao toàn quyền chủ động đầu tư cho doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cam kết trả lãi đầu tư cho người tham gia bảo hiểm được công bố định kỳ (theo tháng hoặc quý). Người tham gia bảo hiểm căn cứ vào lãi đầu tư được công bố để đánh giá hiệu quả đầu tư cao hay thấp. Từ đó người tham gia bảo hiểm (hay nhà đầu tư) có thể tăng thêm số tiền bảo hiểm (số tiền đầu tư) hoặc giảm đi số tiền bảo hiểm của mình.
Sản phẩm bảo hiểm này thu hút được những người có số tiền tiết kiệm nhỏ không phải ký quỹ vào công ty chứng khoán vẫn có thể tham gia đầu tư chứng khoán gián tiếp qua doanh nghiệp bảo hiểm đảm bảo an toàn và sinh lời.
+ Bảo hiểm liên kết đơn vị: doanh nghiệp bảo hiểm công bố cho người có nhu cầu bảo hiểm về số lượng quỹ đầu tư và mức độ rủi ro của từng quỹ cũng như danh mục đầu tư và giá đơn vị của từng quỹ đầu tư. Thường doanh nghiệp bảo hiểm đưa ra 5 hoặc 3 loại quỹ như Quỹ tuyệt đối an toàn (mua trái phiếu Chính phủ, gửi ngân hàng thương mại lớn), Quỹ tương đối an toàn, Quỹ bình ổn, Quỹ tương đối mạo hiểm và Quỹ mạo hiểm. Người tham gia bảo hiểm có thể mạo hiểm trong quyết định lựa chọn quỹ trên để đầu tư và số tiền đầu tư vào mỗi quỹ mình đã chọn theo nguyên tắc lời ăn lỗ chịu. Hàng kỳ (tuần hoặc nửa tháng) doanh nghiệp bảo hiểm công bố giá một đơn vị chứng chỉ của từng quỹ đầu tư để người tham gia bảo hiểm đưa ra quyết định bổ sung tiền đầu tư vào quỹ nào (mua thêm chứng chỉ quỹ) hoặc rút bớt tiền đầu tư tại quỹ nào (bán đi chứng chỉ quỹ này).
Sản phẩm bảo hiểm này hấp dẫn với người tham gia bảo hiểm mạo hiểm trong đầu tư sinh lời, được doanh nghiệp bảo hiểm trợ giúp phân tích đánh giá các rủi ro danh mục đầu tư của từng quỹ đầu tư trên và kết quả đầu tư thông qua giá đơn vị của từng quỹ để đầu tư mạo hiểm lời ăn lỗ chịu.
Tiếp phần 2 click vào đây
Ông Phùng Đắc Lộc
Giám đốc Quỹ “Vì cuộc sống tươi đẹp”
Dai-ichi Life Việt Nam
Giám đốc Quỹ “Vì cuộc sống tươi đẹp”
Dai-ichi Life Việt Nam
Nguồn https://www.facebook.com/dacloc.phung/posts/181476332313124
0 comments