Thursday, November 10, 2016

Những thành công của ngành bảo hiểm nhân thọ trong 20 năm qua

 Chế độ quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm nhân thọ ngày càng hoàn thiện theo hướng nâng cao năng lực quản lý nhà nước và tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Đến nay ngoài Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000, Luật sửa đổi bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm 2010 còn có các Nghị định 45, Nghị định 46/2007/NĐ-CP, Thông tư 124, Thông tư 125/2012/TT-BTC, Thông tư 194, Thông tư 195/2014/TT-BTC, Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị, bảo hiểm hưu trí tự nguyện. Các chính sách thuế đã được hoàn thiện để thúc đẩy phát triển bảo hiểm nhân thọ như thuế thu nhập cá nhân đối với hoa hồng đại lý và phí bảo hiểm do người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động, thuế GTGT đối với hoa hồng đại lý.

Các quy định và điều kiện để cấp phép hoạt động, điều kiện kinh doanh bảo hiểm nhân thọ của Nhà nước đảm bảo cho doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ hoạt động an toàn, hiệu quả, đồng thời đảm bảo quyền, lợi ích người tiêu dùng (người được bảo hiểm): Quy định tiêu chuẩn của Chủ tịch Hội đồng quản trị hoặc Hội đồng thành viên, thành viên của HĐQT, HĐTV, TGĐ, Phó TGĐ, trưởng ban kiểm soát, kế toán trưởng, người đứng đầu bộ phận khai thác, bồi thường, tái bảo hiểm, đầu tư, chuyên gia tính phí; Quy định về nội dung sản phẩm và phê chuẩn sản phẩm bảo hiểm; Quy định về đào tạo, cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm và hành vi nghiêm cấm đại lý bảo hiểm; Quy định về trích lập dự phòng và biên khả năng thanh toán, vốn pháp định; Quy định về đầu tư tài chính và tách quỹ, chia lãi; Quy định về báo cáo kiểm toán và công khai báo cáo tài chính.

Bảo hiểm liên kết chung chiếm cơ cấu chủ yếu

2. Số lượng doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ ngày một tăng cùng nhau cạnh tranh, tuyên truyền về bảo hiểm, xây dựng uy tín thương hiệu và cung cấp sản phẩm bảo hiểm ngày một tốt hơn
 Toàn thị trường có 17 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong đó có 01 DNBH Việt Nam (Bảo Việt), 04 DNBH liên doanh (VCLI, Vietinbank-Aviva, PVI-Sunlife, BIDV-Metlife), 12 DNBH 100% vốn nước ngoài. Các doanh nghiệp bảo hiểm đều có năng lực tài chính mạnh, biên khả năng thanh toán tốt và được xếp hạng nhóm A theo tiêu chuẩn của Bộ Tài chính quy định tại Thông tư 195/2015/TT-BTC. Tổng tài sản của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đạt 143.238 tỷ đồng, dự phòng nghiệp vụ 103.901 tỷ đồng, nguồn vốn chủ sở hữu 23.666 tỷ đồng.

 3. Doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ tăng nhanh, khẳng định vị trí, vai trò, ý nghĩa tác dụng của bảo hiểm nhân thọ trong dịch vụ tài chính đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế xã hội. Năm 2015, tổng doanh thu toàn thị trường bảo hiểm nhân thọ đạt 38.110 tỷ đồng, tăng trưởng 34,4% so với 2014. Dẫn đầu là bảo hiểm hỗn hợp 20.059 tỷ đồng tăng 25,3% (chiếm 52,6%); bảo hiểm đầu tư 14.147 tỷ đồng tăng 50,4% (chiếm 37,1%); bảo hiểm tử kỳ 483,5 tỷ đồng giảm 15,2%; bảo hiểm hưu trí tự nguyện 268,8 tỷ đồng tăng 29%; bảo hiểm trọn đời 142,6 tỷ đồng giảm 1,5%; bảo hiểm trả tiền định kỳ 139,7 tỷ đồng tăn 60,7%; bảo hiểm sinh kỳ 6,2 tỷ đồng giảm 13,2%. Sản phẩm phụ 2.863 tỷ đồng tăng 48,5%.
 Doanh thu phí bảo hiểm năm đầu toàn thị trường đạt 12.839 tỷ đồng tăng 47% (chiếm 33,7% tổng doanh thu); Bảo hiểm hỗn hợp đạt 5.737 tỷ đồng tăng 47,5% (chiếm 43,3%); bảo hiểm đầu tư 5.485 tỷ đồng tăng 51,7% (chiếm 43,5%); bảo hiểm tử kỳ 255 tỷ đồng tăng 5,3%; bảo hiểm hưu trí tự nguyện 206,7 tỷ đồng đạt 100%; bảo hiểm trả tiền định kỳ 57,6 tỷ đồng tăng 34,9%; bảo hiểm trọn đời 7,5 tỷ đồng tăng 37,3%; bảo hiểm sinh kỳ tạm dừng. Sản phẩm phụ đạt 1.090 tỷ đồng tăng 49%.

Các sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp, bảo hiểm liên kết chung chiếm cơ cấu chủ yếu (trên 43%). Bảo hiểm hưu trí tự nguyện mới được triển khai nhưng đầy hứa hẹn khi người dân đã lo thu nhập ổn định lúc hết độ tuổi lao động với gia đình ít con (dưới 2 con), không trông cậy nhiều vào sự phụng dưỡng của con cháu.


Bảo hiểm nhân thọ ngày càng khẳng định vị trí và vai trò quan trọng trong cuộc sống

4. Số lượng người dân tham gia bảo hiểm và hưởng quyền lợi bảo hiểm ngày càng nhiều với mọi tần lớp dân cư, mọi lứa tuổi, mọi khu vực địa lý

Năm 2015, tổng số hợp đồng có hiệu lực đến cuối kỳ đạt 5.608.089 giảm 3%; bảo hiểm hỗn hợp 3.450.074 hợp đồng tăng 8% chiếm cơ cấu 61,5%; bảo hiểm đầu tư 1.641.365 hợp đồng tăng 28% chiếm cơ cấu 29,3%; bảo hiểm tử kỳ 428.254 hợp đồng giảm 64%; bảo hiểm trọn đời 54.858 hợp đồng giảm 2%; bảo hiểm hưu trí tự nguyện 18.926 hợp đồng tăng 72%; bảo hiểm trả tiền định kỳ 13.525 hợp đồng tăng 19%; bảo hiểm sinh kỳ 1.087 hợp đồng giảm 17%. Sản phẩm phụ 9.066.695 hợp đồng tăng 33% (có người mua 1 sản phẩm chính cùng nhiều sản phẩm phụ).

Bình quân mỗi năm có xấp xỉ 1 triệu hợp đồng khai thác mới và có khoảng 800.000 hợp đồng bảo hiểm chấm dứt hiệu lực hoặc được chi trả quyền lợi bảo hiểm. Trong 20 năm, tổng số hợp đồng bảo hiểm sản phẩm chính khai thác mới 15 triệu hợp đồng cùng với 5,6 triệu hợp đồng còn hiệu lực đến cuối năm 2015 đưa tổng số lượt người tham gia bảo hiểm sản phẩm chính 20 năm qua là 20,6 triệu lượt người.

Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm là người thành thị chiếm 42%, phi thành thị chiếm 58%, đặc biệt những vùng núi chuyên canh cây công nghiệp hay vùng đồng bằng, vùng biển, các hộ kinh doanh trang trại tham gia bảo hiểm với số tiền bảo hiểm lớn. Có đến gần 50% người tham gia bảo hiểm mang lại quyền lợi được bảo hiểm cho người thân: vợ, chồng, con cái, cha mẹ, anh chị em ruột.

5. Số lượng sản phẩm bảo hiểm ngày càng nhiều và được cải tiến nhiều lần để người dân lựa chọn. Đặc tính và lợi ích của sản phẩm là vũ khí sắc bén trong cạnh tranh chiếm lĩnh thị phần, thị trường của các doanh nghiệp bảo hiểm

Đến cuối năm 2015, tổng số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ được Bộ Tài chính phê duyệt đang bán trên thị trường là 350 sản phẩm trong đó có nhiều sản phẩm được triển khai từ đầu năm 2000 đã được cải tiến nhiều lần để phù hợp với nhu cầu của nền kinh tế xã hội và người dân.

Ngay khi đầu tư chứng khoán, kinh doanh bất động sản phát triển, bảo hiểm nhân thọ đã phát triển sản phẩm bảo hiểm phi truyền thống: bảo hiểm liên kết chung, bảo hiểm liên kết đơn vị để thu hút người có nhu cầu vừa đầu tư sinh lời vừa bảo vệ rủi ro sự kiện bất ngờ xảy ra. Từ 2014, bảo hiểm nhân thọ đã triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện đáp ứng nhu cầu có thu nhập khi hết độ tuổi lao động cho người dân không có bảo hiểm xã hội hoặc bổ sung cho chế độ bảo hiểm xã hội hiện hành. Các sản phẩm bảo hiểm được thiết kế mới có thời gian dài hơn trên 5 năm chiếm trên 95%, đặc biệt có 75% hợp đồng bảo hiểm có thời hạn trên 10 năm, 15 năm, 20 năm và suốt đời. Tổng số tiền bảo hiểm bình quân của 1 hợp đồng bảo hiểm trọn đời là 87.191 triệu đồng; bảo hiểm tử kỳ 108.556 triệu đồng; bảo hiểm sinh kỳ 50,6 triệu đồng; bảo hiểm hỗn hợp 68.161 triệu đồng; bảo hiểm trả tiền định kỳ 15,1 triệu đồng; bảo hiểm đầu tư 347.078 triệu đồng; bảo hiểm hưu trí 102,89 triệu đồng. Sản phẩm phụ 45,39 triệu đồng.



6. Kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm và cung cấp dịch vụ khách hàng ngày càng mở rộng

Tính đền cuối năm 2015, số lượng đại lý có mặt là 404.607 người tăng 37,3% so với 2014. Năng suất khai thác hợp đồng bảo hiểm mới sản phẩm chính 3,2 hợp đồng; sản phẩm phụ 5,57 hợp đồng. Năng suất khai thác tổng doanh thu 14,2 triệu đồng. Năng suất khai thác doanh thu năm đầu 31,73 triệu đồng. Đại lý bảo hiểm là hạt nhân tuyên truyền, tư vấn, thuyết phục, giải thích cho khách hàng tham gia bảo hiểm lựa chọn sản phẩm bảo hiểm được phủ khắp toàn quốc từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu vùng xa, miền núi, hải đảo.

Ngoài ra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ còn có 1.000 chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh trên toàn quốc để phục vụ khách hàng ký kết hợp đồng bảo hiểm, quản lý đại lý, tiếp nhận thông tin khách hàng, xử lý chi trả tiền bảo hiểm, chăm sóc khách hàng, khám sức khỏe lần đầu và định kỳ được tốt hơn.

Một số doanh nghiệp bảo hiểm đã thiết lập hệ thống kênh phân phối bán sản phẩm bảo hiểm qua các ngân hàng thương mại (đạt khoảng 7% tổng doanh thu toàn ngành), qua hệ thống bưu điện, hội phụ nữ, hội nông dân. Nhiều doanh nghiệp bảo hiểm tích cực đơn giản hóa thủ tục ký kết hợp đồng bảo hiểm và trả tiền bảo hiểm theo hướng tạo thuận lợi cho khách hàng. Mạng lưới hoạt động của các doanh nghiệp bảo hiểm đã phủ khắp toàn quốc từ vùng sâu vùng xa đến thành thị, biên giới, hải đảo.

7. Bảo hiểm nhân thọ tích lũy tiết kiệm vừa bảo vệ rủi ro của người tham gia bảo hiểm vừa là kênh thu hút vốn trung và dài hạn cho nền kinh tế xã hội

Năm 2015, bảo hiểm nhân thọ đã chi trả quyền lợi bảo hiểm 6.826 tỷ đồng cho người tham gia bảo hiểm gặp sự kiện bảo hiểm hoặc đáo hạn hợp đồng, tăng 25% so với 2014. Chi trả cho giá trị hoàn lại 1.784 tỷ đồng (tăng 6,8%) cho người không có điều kiện tiếp tục duy trì hợp đồng bảo hiểm. Chia lãi chi trả cho người tham gia bảo hiểm đáo hạn hợp đồng hoặc chấm dứt trước hạn 1.577 tỷ đồng, tăng 16,7%.

Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã đầu tư vào nền kinh tế quốc dân 126.833 tỷ đồng đem lại lợi nhuận đầu tư trong đó chi trả bảo tức cho người tham gia bảo hiểm tối thiểu bằng 70% số tiền phí bảo hiểm đầu tư tài chính. Đặc biệt danh mục đầu tư đã có tỷ trọng tăng nhanh với đầu tư trung và dài hạn. Năm 2015 lần đầu tiên các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã mua trái phiếu chính phủ kỳ hạn 20 năm số tiền 6.230 tỷ đồng, kỳ hạn 30 năm số tiền 3.900 tỷ đồng. Tổng số tiền đầu tư vào trái phiếu chính phủ 72,2% đầu tư tài chính của bảo hiểm nhân thọ, trong đó 80% số tiền đầu tư trái phiếu chính phủ có kỳ hạn trên 5 năm. Ngoài ra các doanh nghiệp bảo hiểm còn đầu tư cho người tham gia bảo hiểm gặp khó khăn về tài chính bằng hình thức cho vay để đóng phí bảo hiểm duy trì hợp đồng bảo hiểm trong khoảng giới hạn bằng giá trị hoàn lại của người tham gia bảo hiểm.

8. Các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ tích cực tham gia vào hoạt động xã hội

Hàng năm các doanh nghiệp bảo hiểm đóng góp hàng trăm tỷ đồng cho các hoạt động khuyến học (tài trợ học bổng, tặng xe đạp đồ dùng học tập cho học sinh nghèo, xây dựng trường học), tặng nhà tình nghĩa, giúp đỡ người nghèo, hỗ trợ nạn nhân tai nạn giao thông, chất độc màu da cam, tài trợ viện phí, tài trợ các hoạt động văn hóa, thể thao và các hoạt động công ích khác.

Trong giai đoạn tới với công cuộc đổi mới của thời kỳ thứ hai, tham gia các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới cùng với việc coi trọng kinh tế tư nhân, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, các trường học, bệnh viện và cơ sở kinh tế công lập Việt Nam sẽ có bước tiến mạnh mẽ bởi những nguồn lực và động lực mới được tạo ra. Đó là cơ hội để phát triển bảo hiểm nhân thọ đáp ứng nhu cầu bảo hiểm ngày càng tăng khi người dân Việt Nam có thu nhập ngày một tăng, trên 2 triệu doanh nghiệp và hàng triệu hộ kinh doanh cá thể tiểu thương tiểu chủ, chủ trang trại cũng như nhu cầu bảo hiểm của người nước ngoài làm việc tại các doanh nghiệp bảo hiểm đầu tư nước ngoài, có vốn nước ngoài và doanh nghiệp Việt Nam thuê họ làm việc. Sự bao cấp của Nhà nước trong y tế, giáo dục, văn hóa, người già dần dần giảm sẽ làm cho người dân quan tâm tới bảo hiểm nhân thọ hơn để tham gia bảo hiểm nhân thọ.

Theo thị trường tài chính Việt Nam

- See more at: https://m.thebank.vn/posts/13184-nhung-thanh-cong-cua-nganh-bao-hiem-nhan-tho-trong-20-nam-qua#sthash.CuqZmeU9.dpuf

Share this post
  • Share to Facebook
  • Share to Twitter
  • Share to Google+
  • Share to Stumble Upon
  • Share to Evernote
  • Share to Blogger
  • Share to Email
  • Share to Yahoo Messenger
  • More...

0 comments

:) :-) :)) =)) :( :-( :(( :d :-d @-) :p :o :>) (o) [-( :-? (p) :-s (m) 8-) :-t :-b b-( :-# =p~ :-$ (b) (f) x-) (k) (h) (c) cheer

 
© 2011 Giải đáp, tư vấn Bảo hiểm nhân thọ,bảo hiểm phi nhân thọ.
Designed by Blog Thiet Ke
Posts RSSComments RSS
Back to top