Điều 39 khoản 7 NĐ 73/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định: “Doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài phải công bố các sản phẩm bảo hiểm được phép triển khai bao gồm: quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, mẫu hồ sơ yêu cầu bảo hiểm và các tài liệu liên quan trong quá trình giao kết, thực hiện hợp đồng bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.”
Như vậy doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài được cấp giấy phép kinh doanh bảo hiểm hoặc giấy phép điều chỉnh được phép triển khai lĩnh vực nào khi triển khai từng sản phẩm bảo hiểm trên lĩnh vực đó điều phải công bố công khai ít nhất trên 3 cổng thông tin điện tử nói trên. Riêng sản phẩm bảo hiểm nhân thọ còn được Bộ Công thương (Cục Quản lý cạnh tranh) đăng tải công khai sản phẩm với nội dung trên tại cổng thông tin điện tử của Bộ Công thương theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng và quy định của Điều 40 khoản 3 NĐ 73/2016/NĐ-CP: “Bộ Tài chinh là cơ quan duy nhất tiếp nhận hồ sơ đề nghị phê chuẩn, đăng ký sản phẩm bảo hiểm (nhân thọ).
Bộ Tài chính trao đổi, thống nhất với Bộ Công thương về sản phẩm bảo hiểm phải thực hiện đăng ký theo hợp đồng mẫu, điều khoản giao dịch chung theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong vòng 3 ngày làm việc kể từ khi có văn bản phê chuẩn sản phẩm, Bộ Tài chính có trách nhiệm gửi văn bản phê chuẩn sản phẩm và sản phẩm bảo hiểm đến Bộ Công thương để thực hiện đăng ký hợp đồng mẫu, điều khoản giao dịch chung theo quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.”
Hiện nay các sản phẩm bảo hiểm chịu sự kiểm soát của chế độ quản lý nhà nước như sau:
- Sản phẩm bảo hiểm bắt buộc: Bộ Tài chính ban hành các quy tắc, điều khoản bảo hiểm, mức phí bảo hiểm, số tiền bảo hiểm tối thiểu để doanh nghiệp bảo hiểm, người được bảo hiểm và người liên quan tuân thủ.
- Sản phẩm nhân thọ và sức khỏe: phải được Bộ Tài chính phê chuẩn trước khi triển khai.
- Sản phẩm bảo hiểm thuộc nghiệp vụ bảo hiểm xe cơ giới: doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải đăng ký quy tắc, điều khoản, biểu phí với Bộ Tài chính trước khi triển khai.
- Các sản phẩm phi nhân thọ còn lại (phục vụ nhu cầu bảo hiểm của các tổ chức kinh tế xã hội): doanh nghiệp bảo hiểm được phép chủ động xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí.
Những quy định trên cho thấy sản phẩm bảo hiểm được quản lý nhà nước rất chặt chẽ với 4 cấp độ khác nhau. Những sản phẩm bảo hiểm bán cho khách hàng cá nhân được coi là bên yếm thế đều được Nhà nước ban hành (bắt buộc) phê chuẩn (nhân thọ, sức khỏe) đăng ký (bảo hiểm xe cơ giới). Những sản phẩm bán cho khách hàng là tổ chức (doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp, đoàn thể xã hội) đều là pháp nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm bình đẳng với doanh nghiệp bảo hiểm không bị xem là kẻ yếm thế trong giao kết.
Điều 39 khoản 5 Nghị định 73 quy định nguyên tắc xây dựng quy tắc, điều khoản, biểu phí bảo hiểm để hướng dẫn các doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện đảm bảo như sau:
- Tuân thủ pháp luật, phù hợp với thông lệ, chuẩn mực đạo đức, văn hóa và phong tục tập quán của Việt Nam.
- Ngôn ngữ sử dụng (trong văn bản trên) phải chính xác, cách biểu đạt đơn giản, dễ hiểu, các thuật ngữ chuyên môn cần được định nghĩa rõ.
- Thể hiện rõ rang, minh bạch quyền lợi có thể được bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, phạm vi và các rủi ro được bảo hiểm, quyền lợi và nghĩa vụ của bên mua bảo hiểm và người được bảo hiểm, trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, điều khoản loại trừ trách nhiệm bảo hiểm, phương thức trả tiền bảo hiểm, các quy định giải quyết tranh chấp.
- Phí bảo hiểm phải được xây dựng dựa trên số liệu thông kê, đảm bảo khả năng thanh toán của doanh nghiệp bảo hiểm và phải tương ứng với điều khoản và trách nhiệm bảo hiểm.
- Doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm tuân thủ đúng quy tắc, điều khoản, biểu phí đã được phê chuẩn hoặc đăng ký với Bộ Tài chính. Trường hợp thay đổi phải được Bộ Tài chính phê chuẩn hoặc đăng ký với Bộ Tài chính trước khi thực hiện.
Khi Thông tư của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 được ban hành thì tất cả các doanh nghiệp bảo hiểm đang hoạt động tại Việt Nam đều phải công bố các sản phẩm bảo hiểm của mình đang bán trên thị trường bảo hiểm tại cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Hiệp hội Bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm.
Việc công bố này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp bảo hiểm và người tham gia bảo hiểm:
- Khách hàng có thể đối chiếu sản phẩm bảo hiểm mình đã giao kết với doanh nghiệp bảo hiểm với sản phẩm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm đã công bố trên cổng thông tin điện tử để so sánh, phát hiện sai sót yêu cầu chỉnh sửa hoặc cung cấp thêm những thông tin cần thiết thuộc nghĩa vụ người mua bảo hiểm, người được bảo hiểm phải thực hiện để đảm bảo quyền lợi.
- Doanh nghiệp bảo hiểm đã công khai minh bạch sản phẩm bảo hiểm của mình nên khách hàng và cơ quan chức năng không còn lý do là những nội dung ghi trong hợp đồng bảo hiểm đã giao kết là không biết, không hiểu, không được giải thích,...
- Người mua bảo hiểm theo hình thức đấu thầu biết được những nội dung để làm thư mời thầu, mở thầu, chấm thầu giảm bớt sự trung gian môi giới không khách quan làm sai lệch hiệu quả đấu thầu
- Các cơ quan điều tra, tố tụng, xét xử, giải quyết tranh chấp có đủ nguồn tài liệu tra cứu đáng tin cậy (sản phẩm bảo hiểm được công bố) trong việc xử lý tranh chấp liên quan đến hợp đồng bảo hiểm, gian lận trục lợi bảo hiểm.
- Là cơ sở để người có nhu cầu bảo hiểm lựa chọn sản phẩm bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm phù hợp đáp ứng được nhu cầu của mình thông qua danh mục sản phẩm bảo hiểm.
- Làm giảm khối lượng đáng kể về tuyên truyền, giới thiệu, hướng dẫn, giải thích về sản phẩm bảo hiểm của nhân viên bảo hiểm, đại lý bảo hiểm, môi giới bảo hiểm cho khách hàng và bản than khách hàng có thể tự nghiên cứu sản phẩm bảo hiểm để lựa chọn cho phù hợp.
- Là căn cứ để các tổ chức, cơ quan truyền thông trong và ngoài nước bình chọn các tiêu chí hàng năm: doanh nghiệp bảo hiểm uy tín nhất, sản phẩm bảo hiểm ưa thích nhất, sản phẩm bảo hiểm dở nhất,...
- Là căn cứ để phát triển thương mại điện tử trong giao kết hợp đồng bảo hiểm khi Thông tư hướng dẫn thương mại điện tử trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm được Bộ Tài chính ban hành (đã quy định trong NĐ 73/2016/NĐ-CP).
Vấn đề cuối cùng là để cạnh tranh thu hút nhiều khách hàng, tăng doanh thu khi sản phẩm bảo hiểm được công bố công khai minh bạch đang được đặt ra mang tính sống còn của doanh nghiệp bảo hiểm. Muốn tồn tại và phát triển trong bối cảnh này doanh nghiệp bảo hiểm cần phải:
- Luôn luôn cải tiến sản phẩm, phát triển sản phẩm mới nhằm đáp ứng nhu cầu về bảo hiểm của số lượng đông đảo khách hàng. Trong đó nội dung sản phẩm bảo hiểm phải có những tính đặc thù, đặc trưng riêng biệt so với sản phẩm của đối thủ cạnh tranh, tạo nên sự khác biệt.
- Cải tiến và hoàn thiện kênh phân phối phù hợp với điều khoản công bố sản phẩm bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử và thương mại điện tử.
- Có các giải pháp xúc tiến thương mại, chăm sóc khách hàng, gần gũi khách hàng, thu hút khách hàng phù hợp với điều kiện công bố sản phẩm bảo hiểm trên cổng thông tin điện tử và thương mại điện tử.
Theo Luật Kinh Doanh Bảo Hiểm
0 comments