(ĐTCK) Gian lận trong kê khai hồ sơ nhằm trục lợi bảo hiểm là thực trạng mà các doanh nghiệp bảo hiểm trên thị trường Việt Nam đang phải đối mặt. Theo đó, sau khi bài viết “Tranh chấp bảo hiểm: Chủ yếu tại khách hàng… khai man” được đăng tải, Đầu tư Chứng khoán đã nhận thêm các thông tin đa chiều, trong đó đáng chú ý là việc lỗi này chủ yếu xuất phát từ phía tư vấn viên, không hoàn toàn do người tham gia bảo hiểm.
Lỗi do tư vấn viên“Đa phần các trường hợp từ chối chi trả bảo hiểm là do khách hàng kê khai thông tin thiếu trung thực. Theo góc nhìn của doanh nghiệp, nhiều khả năng khách hàng cố tình khai man để trục lợi bảo hiểm.
Nhưng dưới góc độ là một tư vấn viên, từng theo sát nhiều khách hàng và đã thực hiện khảo sát nhỏ về tình trạng kê khai trong hợp đồng, tôi cho rằng, hiện tượng trục lợi là có, nhưng đa phần lỗi này xuất phát từ việc tư vấn viên có hướng dẫn kê khai sát sao, cẩn thận hay không”, tư vấn viên Hồ Thị Ngọc Như chia sẻ.
Cùng chung quan điểm này, chị Hương, một tư vấn viên cho rằng, tỷ lệ người mua bảo hiểm hiểu rõ hợp đồng khá thấp, hiểu để trục lợi lại càng hiếm hơn và chỉ là một phần rất nhỏ.
Bao nhiêu tư vấn viên hiện nay được đào tạo về thẩm định sơ bộ để làm đúng? Đừng trách khách hàng, hãy xây dựng đội ngũ tư vấn viên có trình độ để mỗi hợp đồng được phát hành đảm bảo đúng ý nghĩa nhân văn của nó
Đa phần các lỗi kê khai thiếu trung thực trong hợp đồng bảo hiểm là do thiếu sự tư vấn của tư vấn viên, chưa kể trường hợp tư vấn viên kê khai thay, khách hàng sau đó chỉ việc ký.
“Không phải ai cũng biết việc kê khai không trung thực về sức khỏe ảnh hưởng như thế nào đến hợp đồng bảo hiểm của mình, nhất là những người tham gia bảo hiểm tại khu vực nông thôn.
Có những trường hợp khách hàng không kê khai một số vấn đề sức khỏe như thoát vị đĩa đệm, cao huyết áp, viêm gan C…, dù tư vấn viên biết nhưng cố tình không hướng dẫn cho khách hàng”, một tư vấn viên khác cho biết.
Có tư vấn viên còn hé lộ chuyện không ít tư vấn viên không làm “tròn vai”, thiếu kiến thức, thiếu trách nhiệm khi chỉ tư vấn quyền lợi, thậm chí tự ý bổ sung thêm/nói quá về quyền lợi mà không tư vấn cho khách hàng những điều khoản loại trừ - điều vô cùng quan trọng trong việc quyết định chi trả bảo hiểm sau này. Hệ lụy là khách hàng bị mất quyền lợi bảo hiểm, tranh chấp xảy ra, nhà bảo hiểm cũng mất uy tín.
Đây không chỉ là chia sẻ của các tư vấn viên, mà nhiều chuyên gia trong ngành cũng có cùng quan điểm.
Theo đó, các chuyên gia nhận định, thực tế cho thấy, chỉ có tỷ lệ rất nhỏ người dân hiểu biết rõ ràng về bảo hiểm và có thể nghĩ đến việc kiếm lời từ hợp đồng bảo hiểm. Số này quá nhỏ so với số hợp đồng được bên bảo hiểm huy động vốn và chủ động từ chối dù biết có thể giải quyết bồi thường.
Bên cạnh đó, theo ghi nhận của Đầu tư Chứng khoán từ các tư vấn viên, nguyên nhân chính dẫn tới một số tư vấn viên khai man, hoặc làm thiếu trách nhiệm là bởi muốn chốt bán nhanh, không loại trừ khả năng chịu sức ép từ cấp trên.
Cần chuẩn đầu vào
Theo các chuyên gia trong ngành, lý do lớn nhất dẫn tới tình trạng khai man xuất phát từ việc thiếu chuẩn đầu vào đối với tư vấn viên bán bảo hiểm, nhất là khi hiện tại, hầu như bất kỳ ai cũng có thể trở thành nhân viên bán bảo hiểm.
“Bao nhiêu tư vấn viên hiện nay được đào tạo về thẩm định sơ bộ để làm đúng? Đừng trách khách hàng, hãy xây dựng đội ngũ tư vấn viên có trình độ để mỗi hợp đồng được phát hành đảm bảo đúng ý nghĩa nhân văn của nó”, một tư vấn viên chia sẻ.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng, rất cần chuẩn đầu vào khi thực tế tại các nước, để có thể tư vấn “tròn vai”, tư vấn viên không những phải học luật, kiến thức thẩm định, còn phải đọc được điều khoản để cắt nghĩa cho khách hàng. Trong khi vấn đề này tại Việt Nam vẫn còn bị coi nhẹ.
Kim Lan
KH nộp tiền vào BH sẽ đi đâu ???
0 comments